Ngôi vị Hoàng hậu là thứ mà nhiều nữ nhân trong thời xưa cầu mà không được, bởi lẽ khi ngồi ở vị trí đó, họ được hưởng vinh hoa phú quý, trở thành người phụ nữ tôn quý nhất. Thế nhưng, trong sử liệu Trung Quốc, có 2 vị Hoàng hậu và Hoàng thái hậu lại từ bỏ danh hiệu để làm nghề bị coi là thấp nhất dưới đáy xã hội - kỹ nữ.
Hồ Hoàng hậu: “Ăn nem” để trả đũa Hoàng đế
Hồ Hoàng hậu là hoàng hậu của Bắc Tề Vũ Thành Đế (537-569) - Hoàng đế thứ tư của triều đại Bắc Tề trong lịch sử Trung Quốc. Sử liệu không ghi rõ tên thật cũng như năm sinh của bà, chỉ biết được nguyên quán của vị Hoàng hậu này ở quận An Định, tỉnh Cam Túc. Cha của Hồ Hoàng hậu là Hồ Diên Chi, từng là quan Thượng Thư Lệnh nhà Bắc Ngụy, mẹ là Phạm Dương Lô - một dòng tộc cao quý ở phương Bắc khi đó.
Hồ Hoàng hậu may mắn sở hữu nhan sắc hơn người khi chỉ mười mấy tuổi, sắc đẹp của bà đã nổi tiếng khắp nơi. Cũng chính vì vậy mà bà được lọt vào mắt xanh của Trường Quảng Vương Cao Trạm nhà Bắc Tề và trở thành Trưởng Quảng vương phi. Năm 556, bà sinh hạ Cao Vỹ, tức Hậu Chủ nhà Bắc Tề sau này và sau đó sinh ra người con thứ hai là Cao Nghiễm.
Năm 560, Cao Diễn - anh trai của Cao Trạm phát động chính biến và lên ngôi Hoàng đế. Tuy nhiên, chỉ sau một năm tại vị, Cao Diễn bệnh nặng qua đời. Năm 561, Cao Trạm giành lấy ngôi báu, sử gọi là Bắc Tề Vũ Thành đế và phong Hồ thị làm Hoàng hậu.
Mặc dù sở hữu sắc đẹp hơn nhưng từ khi lên ngôi Hoàng đế, Vũ Thành đế không còn quan tâm tới Hồ Hoàng hậu. Lúc này, Vũ Thành Đế đã tư thông với chính chị dâu của mình là Lý Tổ Nga, thậm chí ông còn nạp bà làm phi.
Thấy chồng không màng tới mình, Hồ Hoàng hậu không chịu nổi sự cô đơn lẻ bóng nên quyết định “ăn nem” để trả đũa chồng đồng thời thỏa mãn ham muốn dục vọng của bà. Bà tư thông với Hòa Sỹ Khai, vị đại thần thân cận nhất của Vũ Thành Đế. Vốn nổi tiếng dâm loạn nên khi “mỡ dâng miệng mèo” Hòa Sỹ Khai không có lý do gì để khước từ Hồ thị. Bên cạnh đó, “kết thân” cùng Hoàng hậu sẽ giúp ông củng cố được địa vị, nói chung chỉ có lợi không có hại.
Nhiều sử sách ghi lại, Vũ Thành Đế lúc đó có biết việc tư thông của Hồ Hoàng hậu nhưng cũng chỉ mắt nhắm mắt mở cho qua. Là kẻ có dã tâm lại được Hoàng đế trọng dụng nên khi trở thành nhân tình của Hoàng hậu chưa được bao lâu, Hòa Sỹ Khai đã khuyên Vũ Thành đế nhường ngôi cho Cao Vỹ (lúc đó mới 8 tuổi) lui về làm Thái thượng hoàng để thoải mái hưởng lạc.
Vốn nổi tiếng là một ông vua ham mê tửu sắc nên khi nghe Hòa Sỹ Khai nói vậy, Vũ Thành Đế liền đồng ý. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, Vũ Thành Đế đã qua đời ở tuổi 33 do ham mê tửu sắc quá độ.
Gian thông với cả hòa thượng để thỏa mãn ham muốn
Sau khi Vũ Thành Đế qua đời, mối quan hệ của Hồ Hoàng hậu với Hòa Sỹ Khai càng trở nên công khai, không coi ai ra gì. Tuy nhiên, do bị nhiều người ghen ghét nên không lâu sau đó, Hòa Sỹ Khai bị ám sát.
Không chịu nổi cảnh giường đơn gối chiếc, Hồ thị tiếp tục có quan hệ bất chính với hòa thượng Vân Hiến ở ngôi chùa mà bà hay lui đến. Thậm chí, bà còn lấy cớ giảng kinh để đón Vân Hiến vào cung hầu hạ chuyện chăn gối. Chuyện này trong ngoài đều biết chỉ có Cao Vỹ là không hay biết gì.
Mọi chuyện chỉ bị cao Vỹ phát giác lúc ông vào cung Thái hậu thỉnh an và bắt gặp hai vị ni cô xinh đẹp. Dâm tà nổi lên, Cao Vỹ liền triệu hai vị ni cô vào cung để hầu hạ nhưng tới lúc lâm hạnh, Cao Vỹ mới bàng hoàng phát hiện hai vị ni cô này thực chất là hòa thượng, cải trang vào cung để hầu hạ Hồ thị.
Tức giận, Cao Vỹ hạ lệnh tra xét lai lịch của hai ni cô giả và phát hiện ra hòa thượng Vân Hiến. Sau đó, Cao Vỹ ra lệnh chém đầu Vân Hiến và hai đệ tử, đồng thời bắt Hồ thị chuyển vào Bắc cung giam lỏng, ra lệnh người hầu không được phép lui đến. Bên cạnh đó, những kẻ từng gian díu với Hồ thị đều bị Cao Vỹ giết không tha.
Từ Hoàng thái hậu tới kỹ nữ chốn lầu xanh
Năm 577, Bắc Tề bị Bắc Chu tiêu diệt, Cao thị hoàng tộc bị thanh trừ. Nam giới đều bị giết sạch, nữ giới trừ một số người được ban cho đại thần Bắc Chu thì số còn lại đều phải tự mưu sinh, trong đó có Hồ thị (lúc này đã ngoài 40) và Hoàng hậu thứ ba của Cao Vỹ là Mục Hoàng Hoa (mới ngoài 20).
Dù đã ở tuổi tứ tuần, chuyện chăn gối của Hồ thị vẫn chưa “hạ nhiệt”. Vì vậy, để vừa kiếm tiền mưu sinh vừa được thỏa mãn dục vọng, Hồ thị cùng Mục Hoàng hậu đã mở kỹ viện, trở thành kỹ nữ chốn lầu xanh.
Sở hữu nhan sắc trời ban lại mang danh Thái hậu, Hoàng hậu nên kỹ viện của hai người khi vừa mới mở ra đã lan truyền khắp cả nước và nhanh chóng trở thành nơi dừng chân của chốn ăn chơi. Nhờ đó mà việc làm ăn của mẹ chồng nàng dâu vô cùng phát đạt. Dần dà, Hồ Thái hậu càng cảm thấy vô cùng hứng thú với công việc này.
Thậm chí, còn có giai thoại ghi Hồ Thái hậu từng nói với Mục Hoàng hậu rằng: “Vi hậu bất như vi xương cánh lạc thú”, nghĩa là làm Hoàng hậu không sướng bằng làm kỹ nữ. Bởi lẽ trong hoàng cung rộng lớn có trăm nghìn giai nhân nhưng chỉ hầu hạ một Hoàng đế, còn bà bấy giờ lại muốn có cả một đám nam nhân thay nhau hầu hạ, chiều chuộng.
Năm 600, sau 10 năm làm kỹ nữ, Hồ thị chết vì bệnh ở Trường An. Dù đã qua đời nhưng tiếng xấu của bà vẫn lưu truyền đến hàng ngàn năm sau, vì đường đường là một Hoàng hậu, Hoàng thái hậu lại tự nguyện trở thành gái lầu xanh để thỏa mãn dục vọng của bản thân.