19 năm về trước, cha của Guihua đột ngột qua đời. Theo tục lệ của địa phương, gia đình của cô phải bỏ ra một khoản tiền kha khá để chi trả cho dịch vụ khóc thuê. Đó cũng là lúc ý tưởng thành lập một ban nhạc “khóc mướn” được nhen nhóm trong đầu của Guihua và chồng mình.
Thế nhưng giống như nhiều người khác khi lần đầu tiên chập chững bước vào nghề, Guihua cũng không tránh khỏi cảm giác căng thẳng, sợ hãi vào cái ngày đầu tiên cô bắt đầu con đường khóc thuê chuyên nghiệp.
“Lúc đó, tôi mới chỉ 23 tuổi. Giống như những cô gái ở độ tuổi đó, tôi sợ cái chết và màu đen tang tóc bao trùm quanh mình.”, Guihua cho biết. Nhưng vì cần tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, cô cố gắng vượt qua những nỗi sợ hãi vô hình và bắt đầu công việc khóc thuê của mình.
Đối với Guihua, khóc là một loại kỹ thuật đặc biệt và được chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Nếu nhỏ vài giọt nước mắt, người ta sẽ gọi nó đơn thuần là “khóc”, nhiều hơn một chút là “nức nở”, còn không rơi nước mắt thì được gọi là “than thở”. Điều quan trọng nhất là người “nghệ nhân” phải biết cách điều tiết cảm xúc của mọi người và nắm được mối quan hệ giữa người sống với người đã khuất.
Bài khóc thuê cũng được bố cục rõ ràng với 3 phần bao gồm: quãng thời gian khó khăn mà người chết phải trải qua khi nuôi dạy con cái, nỗi tiếc thương vô hạn của những người ở lại và cuối cùng là lời cầu mong cho người đã khuất thanh thản nơi chín suối và phù hộ những người còn sống.
“Tôi khóc bằng chính tâm can của mình. Bằng cách đó, tôi có thể hiểu được cuộc sống mà người đã khuất từng phải trải qua. Điều này giúp tôi có được cảm giác tự nhiên nhất khi khóc.”, Guihua chia sẻ.
Tuy nhiên, đến năm 2010, công việc của Guihua trở khó khăn hơn bao giờ hết khi mắt cô gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Cô buộc phải đến bệnh viện để điều trị vì thị lực đã giảm xuông rõ rệt. Nhưng điều đó không ngăn cản sự tận tụy của cô với công việc của mình. Thông thường với mỗi buổi biểu diễn, Guihua thường kiếm được khoảng 120 nhân dân tệ hoặc nhiều hơn tùy tâm của gia chủ.
Mặc dù vậy, vào thời buổi người thừa việc thiếu như hiện nay, thu nhập của Guihua cũng không còn được đảm bảo như trước khi mà cuộc cạnh tranh của cô với các “đồng nghiệp” mới ngày càng trở nên khốc liệt.
Nếu như thời điểm cách đây hơn chục năm, những người có thể khóc thuê chuyên nghiệp như Guihua chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay số người chọn đầu quân vào nghề này ngày càng gia tăng cả về chất và lượng.
Tuy nhiên, theo Guihua, chỉ có những người làm nghề này lâu năm mới có thể khóc một cách chuyên nghiệp và khiến người nghe đồng cảm với nỗi đau, nỗi mất mát của thân nhân những người đã khuất.
Cô cũng cho biết, những gia đình tìm đến và thuê cô khóc thuê hầu hết đều là người sống ở những vùng nông thôn hoặc ngoại ô vì “người thành phố không chuộng lắm tục lệ này”.