Chưa kịp hưởng trọn niềm vui đoàn tụ cùng gia đình, ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Zhang Wendan nhận được thông báo khẩn kêu gọi tham gia chống virus nCoV từ lãnh đạo bệnh viện. Không chần chừ một giây, nữ y tá 27 tuổi tham gia “trận chiến” tại bệnh viện ở quê nhà Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 trên toàn quốc.
Hai ngày trước đó, chính quyền địa phương đã phong tỏa thành phố nơi Zhang sinh sống, ban hành lệnh hạn chế di chuyển để tránh virus lây lan. Thương con gái đến thắt cả ruột gan, mẹ của Zhang đứng một bên lặng lẽ khóc, nhìn cô và chồng chưa cưới sắp xếp hành lý chuẩn bị về bệnh viện.
Cuộc sống trong những tháng ngày chống dịch tại tiền phương quá đỗi gian nan, ngay cả nam bác sĩ cũng có nhiều người gục ngã, nói chi đến nữ giới như Zhang. Giống như bao đồng nghiệp khác, cô gái trẻ phải cắn răng tập thích nghi với việc mặc quần áo ướt đẫm mồ hôi, vừa bẩn vừa bí bách. Cô dần quen với việc thiếu hụt khẩu trang, không đủ vật tư y tế. Cô không dám mạnh tay với bộ đồ bảo hộ, chỉ sợ chẳng may mình sơ suất thì nó sẽ rách toạc.
Thế nhưng, bấy nhiêu dằn vặt đó vẫn chưa phải là điểm cuối. Không chỉ hi sinh mái tóc thướt tha, Zhang còn phải nén vào lòng những lời chia sẻ về vấn đề sinh lý của bản thân trước mặt cấp trên, nhất là mỗi khi kỳ kinh nguyệt đến.
Trong suốt một tháng làm việc tại khu cách ly ở bệnh viện, Zhang đã cắt phăng mái tóc dài để tiện vệ sinh và tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Không chỉ cắt tóc, có nhiều đồng nghiệp nữ của cô đã can đảm cạo trọc đầu. Đưa tin về tấm lòng tận tụy của đội ngũ y bác sĩ, truyền thông Trung Quốc ngợi ca các cô là những chiến binh xinh đẹp nhất trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Zhang tếu táo chia sẻ mình được khen là “đẹp trai” khi đến tiệm tạp hóa mua hàng. Chính bệnh viện đã chi trả phí “xuống tóc” cho nhóm y tá.
Thế nhưng, đó không phải là vấn đề khó xử nhất. Khi đến kỳ kinh nguyệt, nữ y tá thường phải ngậm ngùi cúi mặt trước lời nhận xét “thiếu kỷ luật” từ cấp trên - hầu hết là nam giới - bởi các cô thường xuyên chạy đôn chạy đáo giúp nhau mua băng vệ sinh, đôi khi không đủ sức lực để tập trung 100% cho nhiệm vụ. Những vật phẩm này chỉ được chuyển vào thành phố sau khi được chính phủ phê duyệt, do đó, nhiều chị em phụ nữ đã phải trải qua thời kỳ khốn đốn vì không tìm được sản phẩm vệ sinh cá nhân. Ngày tháng trôi qua, Zhang có cảm giác tinh thần của mình cũng dần kiệt quệ.
Thấu hiểu nỗi niềm của các nữ y bác sĩ, một nhóm tình nguyện viên đã tìm cách gửi 2.000 tã lót người lớn đến bệnh viện để trợ giúp cho 500 nhân viên y tế đang cần chúng. Phản hồi của bệnh viện với yêu cầu cơ bản của nhân viên nữ đã khiến Zhang bất bình. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ mỗi việc đi vệ sinh thôi đã khốn khó trăm bề, huống chi là trải qua kỳ “đèn đỏ” khi vẫn khoác trên người bộ đồ bảo hộ cồng kềnh.
Đây không phải lần đầu tiên các y bác sĩ nơi tuyến đầu phàn nàn về điều kiện làm việc của mình. Tại tỉnh Hồ Bắc, đội ngũ y bác sĩ đã nhiều lần khẩn khoản cầu xin chính phủ tiếp tế thêm mặt nạ phòng độc. Hàng nghìn nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19 vì lây chéo từ bệnh nhân, một số đã tử vong.
“Tôi sợ mình sẽ nhiễm bệnh, tôi nhớ nhà lắm”, Zhang nói. Nhiệm vụ của nữ y tá tại tuyến đầu đã kết thúc, hiện cô đang chấp hành lệnh cách ly 14 ngày trong một khách sạn gần bệnh viện, chờ ngày được trở về với gia đình.
Khi dịch bệnh bị tiêu diệt, cô muốn được gặp người thân, ngâm mình trong bồn tắm thật lâu và ăn món ngon mẹ nấu. Trong thời gian con gái làm nhiệm vụ, mẹ của Zhang vẫn vào bếp làm những món cô thích ăn như khoai tây, cà rốt, thịt cừu nướng, trứng cuộn ớt và súp sườn rồi đặt hộp thức ăn trước cửa. Để đảm bảo an toàn, hai mẹ con không thể đến gần nhau, người mẹ chỉ đành đứng từ xa, lặng lẽ nhìn con ôm hộp thức ăn quay về bệnh viện.
Trái tim cô gái trẻ luôn ấp ủ mộng mơ về ngày cưới lãng mạn. Zhang cho biết mình sẽ đội tóc giả trong ngày thành hôn, nhưng vẫn chưa chọn được chiếc váy ưng ý. Khi tâm sự với hôn phu về chuyện cưới xin, cô luôn cố gắng nói về tương lai vui vẻ. Lễ cưới của cặp đôi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/4. “Tôi hy vọng mình sẽ không phải hoãn đám cưới”, cô nói.