Theo hãng tin Tass, Nga đang tiến hành những bước cuối cùng trong việc phát triển một loại vắc-xin trị ung thư hoàn toàn mới. Trong cuộc phỏng vấn với đài RT ngày 24/12, ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya, xác nhận rằng loại vắc-xin này sẽ bắt đầu thử nghiệm trên bệnh nhân vào năm tới.
Dựa trên công nghệ mRNA – vốn được sử dụng rộng rãi trong các vắc-xin COVID-19, vắc-xin ung thư của Nga được thiết kế để cá nhân hóa theo từng bệnh nhân. Khác với các vắc-xin phòng bệnh thông thường, đây là một loại vắc-xin điều trị, có khả năng huấn luyện tế bào bạch cầu nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư di căn trong cơ thể.
Ông Andrei Kaprin, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X-quang trực thuộc Bộ Y tế Nga cho biết, vắc - xin chống ung thư do Nga phát triển sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân ung thư.
Từ năm 2022, các nhà khoa học Nga đã tiến hành thử nghiệm trên chuột bị ung thư hắc tố và đạt kết quả khả quan. Họ cũng đang mở rộng nghiên cứu sang các bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm khác như ung thư phổi không phải tế bào nhỏ – loại ung thư có tỉ lệ tử vong cao và khó điều trị bằng các phương pháp truyền thống. Ngoài ra, ung thư tuyến tụy và một số loại ung thư thận cũng nằm trong danh sách thử nghiệm.
Dự kiến, vắc-xin này sẽ được thử nghiệm lâm sàng tại Viện Ung thư Hertsen và Trung tâm Ung thư Blokhin vào tháng 9/2025, đánh dấu bước đầu trong việc chứng minh tính an toàn và hiệu quả trước khi được phê duyệt bởi Bộ Y tế Nga. Nếu thành công, công nghệ này sẽ mở ra hy vọng lớn cho bệnh nhân ung thư tại Nga và trên toàn cầu.
Trên thế giới, nghiên cứu về vắc-xin ung thư không phải là mới. Mỹ đã triển khai một số loại cá nhân hóa, điển hình như Sipuleucel-T (Provenge), được FDA phê duyệt năm 2010 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Gần đây, hai nhà khoa học nhận giải Nobel Y sinh 2023, GS-TS Katalin Karikó và TS-BS Drew Weissman, cũng cho biết họ đang hợp tác với các chuyên gia để phát triển vắc-xin ung thư dựa trên công nghệ mRNA.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học, vắc-xin trị ung thư đang trở thành cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác này.