Ủy ban Nobel Na Uy ở Oslo lúc 11h giờ địa phương (16h giờ Hà Nội) công bố giải Nobel Hòa bình 2018 thuộc về bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad, nhà hoạt động người dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq và từng là nạn nhân của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy, bác sĩ Mukwege là “biểu tượng tiên phong và thống nhất ở cả trong nước lẫn quốc tế trong việc đấu tranh nhằm chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang”.
Trong khi đó, Nadia, người từng bị IS bắt cóc, liên tục cưỡng hiếp và ngược đãi, “đã cho thấy lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình”.
Murad tên đầy đủ là Nadia Murad Basee Taha, sinh năm 1993, tại ngôi làng Kojo, quận Sinjar, miền bắc Iraq. Cô là một nhà hoạt động nhân quyền và trở thành Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc kể từ tháng 9/2016.
Cô vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình cho những “nỗ lực trong việc chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang”.
Những ngày tháng làm tù nhân tình dục
Nadia bị nhóm phiến quân IS bắt cóc vào tháng 8/2014. Phải tới 3 năm sau đó, ngày 1/6/2017, cô mới được trở lại quê hương.
Trong suốt những ngày tháng bị giam giữ, Nadia không còn nhớ rõ cô bị hãm hiếp bao nhiêu lần. Mỗi lần thực hiện hành vi thú tính, các tay súng sẽ đưa cô cùng 30 người khác tới một căn phòng nhỏ để lựa chọn. “Tôi đã phải van xin một tay súng 'nhỏ con' chọn tôi, nếu không tôi sẽ bị một gã to béo khác hãm hiếp. Thế nhưng, cuối cùng, gã to béo ấy lại chọn một trong số những đứa cháu gái của tôi”, Nadia hồi tưởng.
Nadia từng bị ép kết hôn với 2 tay súng. Không chấp nhận số phận, cô tìm cách bỏ trốn, tuy nhiên, bị chúng phát hiện, bắt giữ lại và hãm hiếp tập thể.
Nung nấu quyết tâm trốn thoát, trong một lần những tay súng sơ hở, Nadia tìm cách trốn thoát một lần nữa. Rất may mắn, cô thành công chạy tới một trại tị nạn.
Nhà hoạt động nhân quyền tới người nhận giải Nobel
Vào ngày 16/12/2015, Nadia đã đem câu chuyện của mình chia sẻ trước các đại biểu của Liên Hiệp Quốc, cũng như lên tiếng trước nạn buôn bán người và xung đột chiến tranh. Là một phần trong vai trò đại sứ, Nadia đã tham gia vào việc xây dựng các chương trình vận động toàn cầu, mang lại nhận thức về nạn buôn bán người và người tị nạn.
Cô tìm cách tiếp cận với những người tị nạn và những nạn nhân còn sống sót của nạn buôn người và diệt chủng, lắng nghe câu chuyện của họ.Tháng 9/2016, luật sư Amal Clooney, đại diện cho Nadia, có bài phát biểu trước Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) để thảo luận về quyết định mà cô từng đưa ra trước đó.
Ngày 3/5/2017, Nadia có cuộc gặp mặt với Đức Giáo Hoàng Francis và Tổng giám mục Gallagher tại thành phố Vatican. Tại buổi gặp mặt, cô lên tiếng yêu cầu được giúp đỡ đối với những nạn nhân vẫn bị IS giam giữ.
Nhờ những hoạt động không ngừng nghỉ của bản thân, ngày 5/1/2016, cô được Chính phủ Iraq đề cử giải Nobel Hòa bình: “Chúng tôi tự hào đề cử cô gái này nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, vì đã dám đứng lên chống lại các thế lực đen tối, muốn hạ thấp nhân cách của phụ nữ. Chúng tôi hy vọng công chúng, cũng như các tổ chức quốc tế sẽ luôn ủng hộ cô ấy. Cô ấy thực sự xứng đáng giành chiến thắng”.
Nadia hôm nay chính thức được trao giải Nobel Hòa bình. Cô là người trẻ tuổi thứ hai nhận giải thưởng danh giá trên, chỉ sau Malala Yousafzai, nhận giải khi mới 17 tuổi.
Cô gái từng xuất sắc nhận một số giải thưởng khác như: Đại sứ thiện chí đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về nhân phẩm của những người còn sống sót trong nạn buôn người, hay giải thưởng vì Quyền con người do Hội đồng Châu Âu trao tặng.