Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Muôn vẻ chuyện tình yêu giữa thời virus corona

Hơn cả những mâu thuẫn giữa đôi bên, lằn ranh sinh tử và khoảng cách xa vời giữa hai quốc gia lại càng là thử thách khó khăn gấp bội đối với tình yêu.

Gabrielle Autry là một cô gái 26 tuổi đến từ Georgia, Mỹ, hiện đang sống cùng bạn trai người Trung Quốc tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Tại Trung Quốc, đây là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona khiến hơn 900 người chết và hơn 40.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, thế giới của Autry gần như bị khóa chặt trong không gian thành phố.

Nếu muốn, cô hoàn toàn có thể dùng tư cách công dân Mỹ để được lên máy bay rời khỏi vùng dịch, song Autry vẫn quyết tâm ở lại. Một khi Autry rời đi, bạn trai của cô sẽ phải lẻ loi sống trong căn hộ mà hai người thuê, bởi chính phủ đã ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với công dân Trung Quốc. Cô không nỡ bỏ anh lại một mình. “Dù có thể rời đi, tôi cũng sẽ không làm thế”, Autry nói. Tình yêu của đôi bạn trẻ đã trải qua cơn sóng gió đầu tiên, dẫu rằng chẳng lãng mạn như trên phim.

Một cặp đôi thân mật ôm nhau tại sân bay quốc tế ở Los Angeles, Mỹ.

Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới áp đặt lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa hay thậm chí cấm xuất nhập cảnh, các cặp vợ chồng đa quốc tịch sống tại đất nước tỷ dân đang phải đối mặt với cảnh ly tán. Nhiều người e ngại rằng những biện pháp trên sẽ khiến tình trạng bài ngoại và hoảng loạn trong cộng đồng ngày một tăng cao.

Monte Gisborne, một công dân Canada có vợ và con riêng đang về thăm họ hàng ở thành phố Vũ Hán, cho biết anh hy vọng họ được lên máy bay đưa công dân Canada rời khỏi tâm dịch. Thế nhưng, chính phủ đã loại tên vợ con anh ra khỏi danh sách, bởi họ chỉ là thường trú nhân chứ không phải công dân Canada. “Chẳng phải chúng tôi là một gia đình Canada đấy sao?” anh chua xót nói.

Điều kiện để một người rời khỏi Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn, dẫu họ mang quốc tịch nào đi nữa. Các hãng hàng không trên khắp thế giới đang đồng loạt hủy chuyến bay, chính phủ nhiều nước bắt đầu cấm du khách người Trung Quốc. Tại đất nước tỷ dân, việc di chuyển giữa các tỉnh thành bị hạn chế nghiêm ngặt. Nỗ lực sơ tán người dân khỏi Trung Quốc của chính phủ một số quốc gia cũng gặp trở ngại bởi quan hệ ngoại giao và quy định của nước này.

Ngày 31/1, Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế đi lại gắt gao hơn, cấm nhập cảnh với bất cứ ai không phải công dân Mỹ vừa đi du lịch Trung Quốc, đồng thời cách ly 14 ngày với công dân Mỹ. Công dân Trung Quốc là vợ/chồng hoặc thành viên trong gia đình của công dân Mỹ được miễn áp dụng lệnh cấm.

Nhiều gia đình đã phải chia cách vì virus corona.

Autry và bạn trai họ Li đã lên kế hoạch đến Hong Kong để đính hôn. Đôi bạn trẻ gặp nhau khi Autry đang du học ở Trung Quốc. Hai năm sau, Li trở thành chàng rể của gia đình cô. Nhưng rồi biến cố ập đến. Autry biết được tin tức về dịch bệnh qua truyền thông Mỹ và Reddit, bởi thông tin ngay tại tâm dịch đã bị chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt. Hai người quyết định chủ động tự cách ly, cũng như hạn chế rời khỏi căn hộ. Vài tuần sau, cơ quan chức năng chính thức cấm người dân di chuyển khi không cần thiết.

Những ngày này, bảo vệ tại chung cư của Autry luôn đo nhiệt độ cơ thể trước và sau khi cư dân bên trong ra ngoài mua sắm. Cuộc sống thời dịch bệnh hoành hành cực kỳ tẻ nhạt. Li giải quyết công việc trên máy tính, Autry quanh quẩn ở nhà học tiếng Trung và chơi game. Nhưng cặp đôi vẫn thỏa mãn, vì ít nhất họ còn được ở bên nhau. “Tôi không thể chịu nổi khi phải ở một mình giữa hoàn cảnh này”, Autry nói. “Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc rời xa anh ấy”.

Trong khi đó, Daniela Luo, vợ của Gisborne, đã cùng con gái 9 tuổi Dominica về thăm nhà tại Vũ Hán mà không có chồng đi theo. Đúng lúc ấy, dịch bệnh bùng phát, chính phủ ban hành lệnh cấm xuất nhập cảnh và hạn chế di chuyển. Với tư cách thường trú nhân, mẹ con cô gần như có tất cả quyền lợi như công dân Canada. Tuy nhiên, chính phủ Canada chỉ cho phép thường trú nhân lên máy bay sơ tán nếu họ đi cùng trẻ nhỏ là công dân nước này. Thế nên, Luo và con riêng của cô không có tên trong danh sách. Không còn lựa chọn nào khác, họ đành ở lại Vũ Hán. Hay tin vợ con bị giữ lại Trung Quốc, trái tim Gisborne như thắt lại vì sợ hãi. “Ai lại không lo lắng cho gia đình và muốn làm mọi thứ để giúp họ chứ?” anh bức xúc.

Lệnh sơ tán công dân khỏi Trung Quốc khiến các gia đình đa quốc tịch điêu đứng.

Vô số gia đình khác cũng phải đối mặt với cảnh chia cắt. Kai Huang, một công dân Canada, phải lựa chọn giữa việc một mình rời khỏi Vũ Hán và ở lại cùng người mẹ già 78 tuổi do bà chỉ là thường trú nhân. Hai tuần trước, chính quyền Anh thông báo đến Natalie Francis rằng con trai Jamie của cô sẽ không được lên máy bay rời Vũ Hán, bởi cậu bé mang song quốc tịch Anh - Trung. “Đến phút cuối, con bé vẫn đinh ninh mình và con trai 3 tuổi sẽ được lên máy bay”, Michele Carlisle, dì của Natalie, chia sẻ.

Theo lời Autry, gia đình bạn trai cô không hoàn toàn tin tưởng số liệu mà chính phủ Trung Quốc công bố. Tuy nhiên, họ cũng không tán đồng cách làm việc của chính phủ Mỹ, bởi nước này từng bị Trung Quốc “tố” lợi dụng dịch bệnh để phát tán thông tin bất lợi cho đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, họ không hề tỏ thái độ gay gắt với một công dân Mỹ như cô. “Gia đình anh ấy nói họ chỉ có ý kiến với chính phủ Mỹ, không liên quan đến tôi”, cô cho biết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Washington Post

Được quan tâm

Tin mới nhất