Những người yêu thích thiên văn sẽ có cơ hội thưởng thức cảnh tượng tuyệt đẹp khi mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại vào tối 3/1 rạng sáng 4/1. Đây là trận mưa sao băng đầu tiên trong năm 2020. Quadrantids có tần suất lên tới 40 vệt một giờ trong thời gian cực đại.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay: “Quadrantids, đạt cực đại vào đầu tháng 1 hàng năm, được coi là một trong những trận mưa sao băng rực rỡ nhất hàng năm”.
Hầu hết các trận mưa sao băng đều có thời gian cực đại dài hai ngày, khiến việc quan sát chúng trở nên khả thi hơn nhiều. Tuy nhiên, thời điểm cực đại của sao băng Quadrantids diễn ra ngắn hơn nhiều, chỉ vài giờ.
Để có cơ hội tốt nhất để nhìn thấy sao băng, bạn hãy quan sát bầu trời ngay sau nửa đêm. Nếu có thể, hãy đến một khu vực ít bị ô nhiễm ánh sáng, chẳng hạn như những khu vực cách xa thành phố. Bạn có thể chuẩn bị túi ngủ, chăn hoặc ghế. Nằm ngửa, hai chân hướng về phía đông bắc và nhìn lên bầu trời, dần quan sát mưa sao băng.
Trận mưa sao băng này hình thành từ bụi vũ trụ do tiểu hành tinh cổ đại 2003 EH1 để lại. Tiểu hành tinh này được phát hiện vào năm 2003. NASA cho biết: “Không giống như hầu hết các trận mưa sao băng có nguồn gốc từ sao chổi, Quadrantids có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh: tiểu hành tinh 2003 EH1”.
Tiểu hành tinh 2003 EH1 mất 5,52 năm để quay quanh Mặt trời một lần. Có thể 2003 EH là một sao chổi đã chết hoặc một loại vật thể mới mà các nhà thiên văn học cho là sao chổi đá.
Tuy nhiên, mặc dù rực rỡ như bất kỳ trận mưa sao băng nào khác, sao băng Quadrantids không nổi tiếng như các trận mưa sao băng khác. Bởi có lẽ tháng 1 không phải thời điểm tốt nhất để người ta thích xem sao băng.
Quadrantids được các chuyên gia thiên văn học coi là trận mưa sao băng rực rỡ nhất trong năm.