Một sự việc hy hữu vừa xảy ra tại Trung Quốc khi một người đàn ông tên Trương đã kiện một siêu thị vì bán trứng hết hạn sử dụng.
Đáng nói, dù biết rõ sản phẩm đã quá hạn, anh Trương vẫn mua 46 hộp trứng. Sau đó anh đòi siêu thị bồi thường 160 triệu đồng.
Theo đó, một buổi sáng đi mua sắm, anh Trương đến siêu thị gần nhà để mua nguyên liệu cho món trứng nhồi thịt. Khi đang chọn lựa, anh phát hiện nhiều hộp trứng vịt đã quá hạn nhưng vẫn được siêu thị bày bán công khai.
Thay vì báo với nhân viên siêu thị, anh lại nảy ra một ý tưởng khác. Anh quyết định mua 6 hộp trứng hết hạn và lấy 6 hóa đơn. Ngày hôm sau, anh tiếp tục quay lại siêu thị và mua thêm 40 hộp với 40 hóa đơn khác.
Sau khi mua đủ 46 hộp ở siêu thị, anh Trương lập tức báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thay vì giải quyết qua hòa giải, anh đã nộp đơn kiện siêu thị ra tòa án, yêu cầu được bồi thường tổng cộng 46.000 NDT (tương đương 160 triệu đồng).
Tòa án sau đó đã tiến hành điều tra và khẳng định, siêu thị đã vi phạm luật an toàn thực phẩm khi bán trứng hết hạn sử dụng. Nhưng hành động của anh Trương cũng bị cho là cố tình lợi dụng lỗ hổng pháp luật.
Tòa phán rằng, dù anh Trương có quyền kiện, nhưng việc anh mua số lượng lớn trứng hết hạn không phải là hành vi tiêu dùng thông thường. Cuối cùng, tòa quyết định siêu thị chỉ phải bồi thường cho anh Trương 1.012 NDT (tương đương khoảng 3,5 triệu đồng) thay vì 160 triệu như yêu cầu. Số tiền này bao gồm giá trị các hộp trứng và một khoản bồi thường nhỏ theo luật.
Theo luật bảo đảm an toàn thực phẩm, nếu cơ sở kinh doanh bán thực phẩm không đảm bảo, ngoài việc hoàn tiền, họ còn phải bồi thường gấp 10 lần giá trị sản phẩm. Song trong trường hợp này, tòa án cho rằng anh Trương không thể nhận mức bồi thường lớn do hành vi của anh được xem là cố ý tìm cách trục lợi.
Câu chuyện của anh Trương đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về đạo đức trong kinh doanh và tiêu dùng. Việc mua sản phẩm hết hạn dù biết rõ tình trạng của nó, rồi cố tình kiện để kiếm tiền, không chỉ vi phạm quy tắc xã hội mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của luật pháp.
Trong cuộc sống, mỗi người cần hành động có trách nhiệm với cả quyền lợi cá nhân lẫn cộng đồng. Luật pháp sinh ra để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng không nên bị lợi dụng để kiếm lợi cá nhân một cách vô lý.