Ý thức được sự nguy hiểm của các loài rắn độc, một số quốc gia mở lớp giảng dạy, phổ cập kiến thức cho người dân để tránh các tình huống không may xảy ra.
Các buổi học như vậy thường được cầm trịch bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có lúc gặp sự cố ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình. Câu chuyện mới đây được truyền thông Thái Lan chia sẻ là một ví dụ.
Theo tờ Bangkok Post, một tình nguyện viên đã bị rắn hổ mang bò vào cơ thể khi đang giảng dạy về bò sát. Vụ việc diễn ra tại tỉnh Bueng Kan, nằm ở khu vực Đông Bắc, Thái Lan. Được biết, người này đang chia sẻ về các loài bò sát cho trẻ em. Trong nội dung giảng dạy có phần chia sẻ về rắn.
Đến phần giảng về rắn, người này bất ngờ để xổng 1 con rắn hổ mang. Loài này có độc, đặc biệt nguy hiểm. Con rắn nhanh chóng bò vào cơ thể của chuyên gia này và chui lên từ ống quần.
Khi sự cố xảy ra, chuyên gia nói trên vẫn giữ thái độ bình tĩnh, được một tình nguyện viên khác đi cùng hỗ trợ tụt quần xuống để khống chế con rắn. Cuối cùng, loài bò sát nguy hiểm này đã bị khống chế, chuyên gia Thái Lan cũng may mắn vượt qua cửa tử.
Vụ việc gây sốt trên diễn đàn mạng Thái Lan và nước ngoài. Khán giả không giấu được sự sợ hãi, đồng thời dành lời khen cho sự bình tĩnh, khả năng ứng phó với nguy hiểm của các chuyên gia nước này.
Liên quan đến các biện pháp đối phó khi gặp rắn, các chuyên gia từng đưa ra nhiều lời khuyên như: cố gắng giữ bình tĩnh vì rắn thường tấn công khi bị kích động hoặc gặp nguy hiểm, di chuyển theo hướng dọc để tránh gây sự chú ý, khi đi đến nơi có bụi rậm cần mang đồ bảo hộ, gậy để gõ xua rắn….
Khi chẳng may bị rắn tấn công, cần trấn an nạn nhân, sơ cứu để tránh nọc độc lan ra khắp cơ thể, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất… Lưu ý, không nên nặn hút nọc độc, không băng vết thương bằng gạc garô để tránh tắc nghẽn mạch máu, không đắp các loại lá hoặc thuốc không rõ nguồn gốc lên vết thương…