Vào tối 26/4, ông Syafri (55 tuổi) và ông Toha tới đồng bằng sông Lakar, tỉnh Riau, Indonesia, giăng lưới đánh cá. Lúc này, một con cá sấu dài khoảng 4m bất ngờ lao lên, tấn công 2 người đàn ông. Ông Syafri bị con cá sấu kéo xuống sông còn ông Toha may mắn tránh kịp và hô hoán gọi người tới giúp đỡ.
Sau đó, đội cứu hộ đã tới hiện trường để tìm kiếm ông Syafri nhưng không phát hiện dấu vết nào. Tới sáng 27/4, họ tìm thấy phần chân trái trong đầm lầy, không xa nơi con cá sấu tấn công ông Syafri.
Đội cứu hộ phối hợp với dân làng sau đó đã giăng lưới quanh khu vực và bắt được con cá sấu. Họ quyết định bắn chết nó trước khi lôi vào bờ và mổ bụng con cá sấu ra. Trong bụng của con vật vẫn còn một số bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Heru Sutmantoro, người đứng đầu Cơ quan bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tỉnh Riau cho biết, cái chết của ông Syafri là một thảm kịch. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích dân làng khi giết chết con cá sấu này vì nó là loài vật hoang dã nằm trong danh sách cần được pháp luật bảo vệ. Ông Heru cho biết, người dân địa phương đã được cảnh báo không được đi câu cá trong đầm lầy cá sấu từ tháng 6/2019, nhưng không rõ ông Syafri có biết về việc này hay không.
Ông Heru nói: “Chúng tôi nhận được thông tin rằng vụ tấn công xảy ra vào tối 26/4. Từ lâu, chúng tôi đã cảnh báo người dân tránh xa môi trường sống của cá sấu nước mặn và cẩn thận quanh khu vực đó. Đây không phải là cuộc tấn công đầu tiên, các cuộc tấn công tương tự đã xảy ra trước đây quanh sông Lakar. Nạn nhân có lẽ không biết khu vực này là môi trường sống của cá sấu nước mặn”.