Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Miễn nghĩa vụ quân sự - phần thưởng lớn cho cầu thủ Hàn Quốc tại Asiad

Những cầu thủ như Son Heung-min chỉ có cơ hội duy nhất để được miễn nhập ngũ, đó là đoạt huy chương Olympic hoặc vô địch Asiad.

Cầu thủ bóng đá Hàn Quốc Son Heung-min. Ảnh: Goal.

Đội tuyển Olympic Việt Nam tối qua giành chiến thắng trước Syria ở vòng tứ kết Asiad và sẽ chạm trán Hàn Quốc ở trận bán kết. Hàn Quốc được đánh giá là một đội tuyển mạnh với sự góp mặt của tiền đạo ngôi sao Son Heung-min, người không chỉ chiến đấu cho màu cờ sắc áo mà còn vì một phần thưởng lớn lao khác: Được miễn nghĩa vụ quân sự, theo Guardian.

Hàn Quốc bắt đầu thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự từ năm 1957 và yêu cầu mọi nam công dân tuổi từ 18 đến 27 phải nhập ngũ và phục vụ quân đội trong khoảng hai năm, tùy vào từng quân binh chủng. Quy định này đã được thực hiện nghiêm ngặt từ hàng chục năm qua với mọi nam thanh niên Hàn Quốc, dù đó có là ngôi sao thể thao đang thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh như Son Heung-min.

Tuy nhiên, hiến pháp Hàn Quốc quy định các vận động viên đoạt huy chương tại Thế vận hội (Olympic Games) hoặc huy chương vàng tại Á vận hội (Asiad) sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự. Họ chỉ phải trải qua 4 tuần huấn luyện quân sự cơ bản, sau đó có thể tiếp tục sự nghiệp thể thao của mình mà không lo bị “chôn vùi tuổi xuân” trong doanh trại.

Nhiều vận động viên của Hàn Quốc đã được miễn nhập ngũ theo quy định này, như đội bóng đá nam đoạt huy chương đồng Olympics 2012, vận động viên cầu lông đoạt huy chương vàng Olympics 2008 Lee Yong-dae, hay vận động viên tennis Hyeon Chung, người đoạt huy chương vàng Asiad 2014.

Năm 2014, đội tuyển Olympic Hàn Quốc đánh bại Triều Tiên để đoạt huy chương vàng tại Asiad và toàn bộ các cầu thủ trong đội được miễn nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, Son Heung-min lại không tham gia giải đấu này vì câu lạc bộ Bayer Leverkusen từ chối cho anh về phục vụ đội tuyển, do trùng lịch thi đấu ở Champions League.

Son Heung-min từng thử vận may của mình tại Olympics 2016 ở Brazil, nhưng không thể cùng đội tuyển Hàn Quốc đoạt huy chương. Son năm nay 26 tuổi và theo quy định, anh sẽ phải trở về Hàn Quốc để thực hiện nghĩa vụ quân sự vào năm tới, nếu không được miễn. Bởi vậy, kỳ Asiad lần này ở Indonesia được coi là cơ hội cuối cùng để cầu thủ này không phải nhập ngũ, nếu anh và đội tuyển Hàn Quốc có thể bước lên bục cao nhất của môn bóng đá nam.

Chỉ cần thất bại trước đội tuyển Việt Nam trong trận bán kết, Son Heung-min sẽ phải đối mặt với thực tế rằng anh sẽ không được chơi bóng trong gần hai năm tiếp theo, phải cắt tóc theo kiểu nhà binh, sống trong doanh trại với tiền phụ cấp chưa đầy 130 USD mỗi tháng và phải trải qua chương trình huấn luyện đầy cực khổ.

Những nam công dân Hàn Quốc cố tình trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ phải ngồi tù tới ba năm và hứng chịu sự dè bỉu của cả xã hội. Với những người nổi tiếng, hậu quả của hành động này càng nghiêm trọng.

Bạn càng nổi tiếng thì càng khó thoát khỏi việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”, James Hoare, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại Viện Chatham, cho biết. “Không hệ thống nào trên thế giới là không có lỗ hổng, nhưng nếu bạn tận dụng kẽ hở để trốn thực hiện nghĩa vụ với đất nước ở Hàn Quốc, bạn sẽ không được nhìn nhận một cách tích cực”.

Hoare cho biết việc nhập ngũ được coi là một nghĩa vụ, đồng thời là niềm vinh dự ở Hàn Quốc, cho thấy bạn là công dân Hàn Quốc đích thực biết quan tâm đến lợi ích quốc gia, ngay cả khi bạn đang có một sự nghiệp rực rỡ.

Quân đội Hàn Quốc là một tổ chức rất quyền lực và họ có xu hướng không quan tâm việc bạn giàu có hay nhiều ảnh hưởng đến đâu”, ông nói.

Năm 2012, cầu thủ Park Chu-young lúc đó thi đấu cho câu lạc bộ Arsenal đã dùng thẻ cư trú xin được ở Monaco để xin hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 10 năm. Hành động này của Park đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích giận dữ ở Hàn Quốc, khiến anh bị loại khỏi đội tuyển quốc gia, phải trở về Seoul để xin lỗi và nhà chức trách Hàn Quốc sau đó siết chặt các quy định về hoãn nghĩa vụ quân sự liên quan đến thẻ cư trú ở nước ngoài.

Năm 2010, người dẫn chương trình truyền hình thực tế Mong bị cáo buộc đã nhổ hai chiếc răng lành lặn của mình nhằm bị đánh trượt trong cuộc kiểm tra sức khỏe trước khi nhập ngũ, với hậu quả là anh này bị kết án 6 tháng tù treo.

Vào giữa thập niên 2000, để có thể tiếp tục sự nghiệp chơi bóng rổ ở Mỹ, cầu thủ Baek Cha-seung đã từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc, nhập quốc tịch Mỹ nhằm né quy định nhập ngũ ở quê nhà. Đến đầu năm nay, Baek đã tìm cách xin khôi phục quốc tịch Hàn Quốc nhưng bị nhà chức trách khước từ.

Ánh sáng cuối đường hầm

Son Heung-min bật khóc sau trận thua Honduras ở tứ kết Olympics 2016. Ảnh: Guardian

Những giọt nước mắt của Son Heung-min sau trận thua Honduras tại vòng tứ kết Olympics 2016 và đội Hàn Quốc bị loại ở vòng bảng World Cup 2018 đã làm lay động trái tim nhiều người dân Hàn Quốc, với việc nhiều đơn kiến nghị được gửi lên Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi miễn nghĩa vụ quân sự cho cầu thủ này, thậm chí nhiều người tình nguyện phục vụ thay anh trong quân đội.

Nhưng nếu Son và đội Hàn Quốc thất bại ở Asiad 2018, việc miễn nghĩa vụ quân sự cho anh sẽ là động thái mạo hiểm của chính phủ Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh nhà chức trách đang siết chặt các quy định nhằm đối phó với tình trạng trốn tránh quân dịch.

Nhiều người cho rằng nếu phải nhập ngũ, sự nghiệp thể thao của Son Heung-min coi như đã chấm dứt. Trường hợp của golf thủ Bae Sang-moon, người từng được xếp vào top 100 tay golf hàng đầu thế giới, là một ví dụ điển hình.

Năm 2015, Bae cho rằng việc có thẻ cư trú ở Mỹ sẽ giúp anh được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự cho đến khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao. Nhưng một tòa án ở Hàn Quốc ra phán quyết ngược lại và Bae trở thành một binh sĩ trong lực lượng lục quân Hàn Quốc.

“Từ khi là một binh nhì cho đến binh nhất và thậm chí là ngày cuối cùng trong quân ngũ, tôi luôn muốn được ra ra quân”, Bae nói vào tháng 9/2017, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. “Tôi muốn chơi golf chuyên nghiệp, tôi muốn được ngủ ở nhà và muốn được lái xe”.

Bea kỳ vọng rằng những ngày tháng rèn luyện trong quân ngũ sẽ giúp anh nâng cao kỹ năng chơi golf. Anh trở lại với thể lực sung mãn hơn, tinh thần rắn rỏi hơn, nhưng lại có kết quả tệ hơn khi thi đấu, khi thất bại 11 trong 16 sự kiện của Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp Mỹ (PGA) kể từ năm 2017 đến nay.

Nhưng với Son Heung-min, sự nghiệp chơi bóng chưa hẳn là đã chấm dứt nếu anh phải nhập ngũ. Hai câu lạc bộ trong giải bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc (K-League) là Sangju-Sangmu của quân đội và Asan Mugunghwa của Cảnh sát Quốc gia cho phép các cầu thủ là quân nhân tại ngũ thi đấu trong thời gian phục vụ.

Tuy nhiên, để trở thành thành viên của hai đội bóng này, ứng viên phải là cầu thủ của một đội khác đã thi đấu ở K-League ở mùa giải trước. Nếu thất bại ở Asiad 2018 và vẫn muốn tiếp tục chơi bóng, Son Heung-min có thể sẽ phải rời câu lạc bộ Tottenham để về nước chơi cho giải K-League. Đây có thể là kịch bản xa vời và mọi thứ vẫn tùy thuộc rất lớn vào màn trình diễn của Son Heung-min cùng các đồng đội trong hai trận đấu cuối cùng tại Indonesia.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
FIFA dậy sóng với Nguyễn Xuân Son
Nguyễn Xuân Son quá hay, quá nguy hiểm