Giới chức Indonesia liệt kê số hiệu đăng ký của chiếc máy bay là PK-LQP. Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSC), cho hay chiếc máy bay được Boeing bàn giao cho hãng Lion Air hồi tháng 8.
Theo trang mạng chuyên theo dõi lưu lượng hàng không Planespotters.net, máy bay gặp nạn là một trong 11 chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air.
CNN cho biết 737 MAX 8 là phiên bản mới nhất của loại máy bay được ra đời năm 1967 này. Hơn 10.000 chiếc 737 được sản xuất kể từ đó, biến nó trở thành loại máy bay bán chạy nhất mọi thời đại.
Các phiên bản của MAX được chào hàng với động cơ phản lực LEAP, thứ mà Boeing tuyên bố “sẽ lập lại tương lai của ngành du lịch hàng không hiệu quả và thân thiện với môi trường”. Theo nhà sản xuất máy bay này, Boeing 737 MAX hiệu quả hơn 10-12% so với các dòng trước đó.
Năm 2011, Boeing tuyên bố đơn đặt hàng trị giá 21,7 tỷ USD cho 230 chiếc máy bay 2 động cơ. Thời điểm đó, nhà sản xuất máy bay có tiếng trên thế giới khẳng định đó là hợp đồng đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử máy bay thương mại của Boeing, xét cả về số lượng máy bay và giá trị USD.
Kể từ đó, Lion Air trở thành hãng hàng không đầu tiên đưa máy bay 737 MAX 8 vào sử dụng (bắt đầu năm 2017), đặt hàng các máy bay 737 MAX 9 và 737 MAX 10.
Máy bay mang số hiệu JT-610 của hãng hàng không giá rẻ Lion Air rời Jakarta lúc 6h10, dự kiến hạ cánh lúc 7h20 tại Pangkal Pinang và mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 6h33. 189 hành khách và phi hành đoàn trên khoang gồm có 2 trẻ sơ sinh, một trẻ em, 2 phi công cùng đội ngũ tiếp viên 6 người. Khoảng 20 nhân viên của Bộ Tài chính Indonesia cũng được cho là ở trên máy bay này.
Phát ngôn viên Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia xác nhận không còn ai sống sót sau vụ tai nạn. Các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và công tác điều tra vẫn đang diễn ra.