Theo cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên ông Kim Jong-un cùng một số quan chức cấp cao đã rời khỏi ga Bình Nhưỡng vào khoảng 5 giờ chiều 23/2. Bằng cách chọn đi tàu hỏa, ông Kim có thể mất ít nhất 2 ngày rưỡi để di chuyển hàng nghìn km từ thủ đô Bình Nhưỡng, qua Trung Quốc rồi mới đến Việt Nam. Đoàn tàu của ông Kim sẽ dừng lại tại ga Đồng Đăng của Việt Nam và sau đó di chuyển 170 km đến Hà Nội bằng ôtô.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại rời Mỹ tới Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 25/2 với chuyến bay kéo dài gần 20 giờ trên chuyên cơ Không Lực Một. Rõ ràng việc di chuyển bằng máy bay sẽ rút ngắn thời gian hơn rất nhiều, nhưng ông Kim lại chọn tới Việt Nam bằng tàu hỏa khiến dư luận thế giới phải đặt một dấu chấm hỏi lớn.
Ông Yuhwan Koh, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Dongguk, Hàn Quốc nhận định: “Dư luận thế giới có thể khó mà hiểu được lý do tại sao ông Kim lại chọn đi tàu nhiều ngày thay vì đi máy bay chỉ trong vài giờ“.
Theo ABC News, ông Kim có thể đang làm theo truyền thống của cha, ông trong các chuyến công du tới Việt Nam. Bởi cố nhà lãnh đạo Triều Tiên ông Kim Il Sung, ông của Chủ tịch Kim Jong-un, cũng từng sử dụng tàu hỏa trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1958. Lúc đó, ông Kim Il Sung đã đi tàu từ Bình Nhưỡng đến thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, rồi đi máy bay đến Hà Nội.
Bên cạnh đó, ông Koh cũng cho biết thêm rằng “ngoại giao tàu hỏa” luôn là một cách của Triều Tiên khi chọn ứng xử với thế giới và sự kế thừa truyền thống đó rất quan trọng đối với người Triều Tiên.
Trong khi đó, tờ New York Times lại cho rằng lý do ông Kim chọn di chuyển bằng tàu hỏa khi tới Việt Nam là vì nhà lãnh đạo Triều Tiên không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 được tổ chức tại Singapore vào tháng 6/2018, ông Kim đã phải mượn một chiếc Boeing 747 thuộc hãng hàng không quốc gia Air China.
Ông Kim phải mượn chiếc Boeing 747 của Trung Quốc khi tới Singapore vì chuyên cơ Ilyushin Il-62 của ông do Liên Xô sản xuất đã gần 40 tuổi. Một phần là chiếc máy bay này hoàn toàn không thể so sánh với máy bay Boeing 747-4J6 của Trung Quốc về mức độ an toàn và sự thoải mái. Một phần là chiếc Ilyushin Il-62 không còn được sản xuất, phụ tùng khan hiếm trong khi nó có gặp phải một số trục trặc nhỏ về động cơ.
Vào thời điểm đó, những bức ảnh ông Kim bước ra từ chiếc máy bay phản lực của Trung Quốc khi đặt chân tới Singapore gặp Tổng thống Trump ngay lập tức thu hút sự chú ý về sự phụ thuộc của Triều Tiên vào nước láng giềng lớn mạnh và giàu có hơn. Do đó, chuyến đi bằng tàu hỏa cho thấy ông Kim không muốn tái diễn lại điều đó một lần nữa.
“Ông Kim không muốn cho thế giới thấy sự phụ thuộc nặng nề của nước mình vào Trung Quốc, bằng cách vẫy tay khi đang bước xuống từ một chiếc máy bay của Trung Quốc, có gắn quốc kỳ của Trung Quốc như ông ấy đã làm tại sân bay Singapore“, tờ New York Times viết.
Nói về chuyến đi này của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, Trung Quốc nói: “Những câu chuyện đùa rằng Triều Tiên là một tỉnh của Trung Quốc không hề hợp ý ông Kim. Chuyến đi bằng tàu hỏa là một lựa chọn bắt buộc“.
Các nhà phân tích Trung Quốc cũng nghi ngờ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ mang chuyến tàu riêng của mình đi khắp Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh sẽ phải kéo dài hơn. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc sẵn sàng hy sinh, Yun Sun - một nhà phân tích tại trung tâm Stimson ở Washington nói.