Fathia Reza (36 tuổi) và em gái Lamira Roro (34 tuổi) từng mang theo hộ chiếu để nhập cảnh nước láng giềng Malaysia. Mọi chuyện sẽ chẳng rắc rối nếu thông tin quốc tịch trên đó không phải là Đế chế Sunda, một "vương triều" tự xưng trên lãnh thổ Indonesia và dĩ nhiên không được luật pháp công nhận.
Trước đó, hai chị em đã sống lưu vong ở Thụy Sĩ, sau đó tìm đường quay lại Đông Nam Á với hộ chiếu của Đế chế Sunda. Vừa đặt chân lên đất Brunei, cả hai đã bị bắt giữ rồi đưa đến khu vực giáp ranh Brunei và bang Sarawak (Malaysia). Trong lúc đang xoay sở tìm cách nhập cảnh vào nước này, họ tiếp tục bị Cơ quan Di trú Malaysia bắt giữ vì là người không quốc tịch. Tại thời điểm đó, Fathia chỉ mới 23 tuổi, còn em gái Lamira vừa tròn 21.
Cơ quan chức năng rất đỗi ngạc nhiên khi hai chị em thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hà Lan. Họ hoàn toàn có thể quay về cố hương nếu chịu tuyên bố mình là công dân Indonesia, song cả hai nhất quyết không thừa nhận dù cho phải sống lang bạt nơi đất khách suốt 13 năm.
Sunda là một đế chế tự phát được thành lập bởi "Thủ tướng cấp cao" Nasri Banks và vợ là bà Raden Ratna Ningrum. Được biết, Nasri đã vin vào một sự kiện trong lịch sử để thiết lập "vương triều" của mình. Đế chế Sunda ngày nay được xây dựng dựa trên tư liệu về Vương quốc Sunda, bộ máy nhà nước cổ của người Sunda trải rộng khắp miền tây Java, Banten và Jakarta ngày nay, tồn tại trong giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI.
Do ảnh hưởng từ sự xâm lược của quân đội Hà Lan, tình hình chính trị hỗn loạn và sự hình thành sơ khai của Cộng hòa Indonesia, nhà nước Sunda rơi vào cảnh diệt vong. Do đó, thực chất Nasri Banks và vợ ông hay bất kỳ thành viên nào của Đế chế Sunda cũng không được sự công nhận về mặt pháp luật đối với chức vị của mình, bởi "nhà nước" của họ không hề tồn tại.
Đế chế Sunda tuyên bố nhiệm vụ của mình là giải quyết khoản nợ của Indonesia với Ngân hàng Thế giới. Họ cũng mạnh miệng khẳng định rằng Liên Hợp Quốc nằm dưới sự kiểm soát của mình. Thế nhưng vào tháng 1, Nasri Banks và vợ đã bị bắt giữ vì cáo buộc lừa đảo ở Indonesia và đối diện nguy cơ lĩnh 10 năm tù.
Agung Cahaya Sumirat thuộc Đại sứ quán Indonesia tại Kuala Lumpur cho biết: "Hai người một mực khẳng định mình là công dân Đế chế Sunda, không thuộc về Indonesia. Chúng tôi cảm thấy trở thành công dân của đế chế này là mục tiêu quan trọng nhất của họ".
Tuy nhiên, Đế chế Sunda không phải là "vương triều" tự xưng duy nhất trên lãnh thổ Indonesia. Báo chí nước này cũng đã đưa tin về nhiều trường hợp tương tự, trong đó có Keraton Agung Sejagat.