Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Lý giải nguyên nhân nhiều người tái nhiễm COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa bị đẩy lùi, mối quan tâm của nhiều người đã chuyển hướng sang một vấn đề mới: Liệu bệnh nhân có khả năng tái nhiễm không?

Phóng viên Hannah Devlin của tờ Guardian sẽ giúp độc giả tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi trên, từ cách cơ thể chiến đấu với virus, cách phát triển khả năng miễn dịch đến nguy cơ tái nhiễm COVID-19 và ảnh hưởng của nó đối với hành trình xóa sổ dịch bệnh.

Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 của một người phụ thuộc vào khả năng miễn dịch lâu dài của người đó với virus; và sau khi đã hồi phục, cơ thể họ có tiếp tục “nhận ra” virus SARS-CoV-2 nếu chúng lại xâm nhập thêm lần nữa hay không.

Cơ thể chúng ta chống lại virus SARS-CoV-2 ra sao?

SARS-CoV-2 là chủng virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, xâm nhập vào cơ thể người qua cổ họng và khi chúng ta vô tình hít phải. Từ đó, chúng bắt đầu tấn công các tế bào ở đường hô hấp trên. Khi hiện tượng này xảy ra, cơ chế miễn dịch của cơ thể sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo chúng ta đang bị nhiễm virus. Chúng sẽ gửi các thực bào đến để tấn công kẻ xâm nhập.

Tuy nhiên, cơ thể phải thành lập một “quân đoàn” tế bào nhằm chống lại virus ngay lập tức. Và vì đây là chủng virus mới mà chúng ta chưa gặp bao giờ, cơ thể cần một thời gian để tổ chức và huy động đủ tế bào để chiến đấu với chúng.

Một người có thể nhiễm COVID-19 hai lần không?

Có một số báo cáo không mấy chính xác về các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tái nhiễm. Đây là những người đã xét nghiệm COVID-19 và nhận kết quả dương tính, sau thời gian điều trị thì chuyển thành âm tính, và rồi lại cho kết quả dương tính trong lần xét nghiệm sau cùng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng ta không nên quá lo lắng về những ca bệnh đó. Bởi những bệnh nhân như thế thường có khoảng cách giữa các lần xét nghiệm cực kỳ ngắn.

Vì thế, kết quả âm tính ở lần thứ hai rất có thể đã sai lệch do không thu thập đủ mẫu bệnh phẩm chẳng hạn. Đôi khi phòng thí nghiệm cũng mắc sai lầm và cho kết quả âm tính “giả”. Nếu bệnh nhân liên tục làm xét nghiệm, chúng ta phải chấp nhận rằng kết quả sẽ có tỷ lệ sai sót nhất định.

Do đó, vấn đề cần quan tâm hiện tại là liệu cơ thể có thành lập khả năng miễn dịch lâu dài hay không. Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 của một người phụ thuộc vào khả năng miễn dịch lâu dài của người đó với virus; và sau khi đã hồi phục, cơ thể họ có tiếp tục “nhận ra” virus SARS-CoV-2 nếu chúng lại xâm nhập thêm lần nữa hay không.

Hệ miễn dịch hoạt động thế nào?

Với một số căn bệnh, ví dụ như thủy đậu, hệ miễn dịch của chúng ta đã ghi nhớ thông tin về nó. Một khi cơ thể gặp lại chủng virus này, cơ chế miễn dịch sẽ ngay lập tức hoạt động để diệt trừ chúng. Vì thế nên chúng ta không nhiễm bệnh, không biểu hiện triệu chứng gì. Nhưng có đôi khi mọi thứ không theo kịch bản, hoặc khi cơ thể thiết lập cơ chế miễn dịch sau khi vừa hồi phục không lâu, và theo thời gian, cơ chế đó dần dần suy yếu. Chúng ta không biết được viễn cảnh nào sẽ xảy ra với COVID-19. Chúng ta đều biết một số chủng virus corona từng xuất hiện trong cộng đồng, những loại virus chỉ gây nên triệu chứng cảm và cúm mùa mà cơ thể người đã phát triển cơ chế miễn dịch. Nhưng đến năm tiếp theo, ta vẫn có khả năng nhiễm bệnh lần nữa.

Triệu chứng của bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nhìn chung có vẻ nghiêm trọng hơn những “người anh em” chung họ của nó. Vậy nên, nhiều khả năng cơ chế miễn dịch chống lại chúng sẽ có hiệu quả trong thời gian dài hơn. Đó là điều chúng ta hằng hy vọng. Song, đó chưa phải là kết luận chắc chắn, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu thêm.

Mọi người đều có khả năng miễn dịch ngang nhau chứ?

Những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và trải qua nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn người khác có khả năng hình thành bộ nhớ miễn dịch mạnh mẽ hơn. Đây cũng là hiện tượng có vẻ từng xuất hiện trong đại dịch SARS. Nên khi các nhà khoa học theo dõi bệnh nhân từng nhiễm SARS sau nhiều năm, họ phát hiện những người biểu hiện triệu chứng càng trầm trọng lại có càng nhiều tế bào miễn dịch chống lại virus gây SARS hơn. Chúng ta đang quan tâm đến việc liệu mọi người có thể phát triển khả năng miễn dịch dài lâu như nhau hay không, hay có một số người sẽ dễ dàng nhận ra virus SARS-CoV-2 nếu bị lây nhiễm thêm lần nữa.

Nếu virus đột biến thì sao?

Cũng có nhiều người thắc mắc về quá trình biến đổi của virus theo thời gian. Ví dụ như virus gây cúm, chủng virus đột biến nhanh chóng, bộ gene của chúng thường xuyên xáo trộn suốt cả năm. Và đến khi bệnh cúm quay lại vào năm sau, chủng virus này đã biến đổi nhiều đến mức cơ chế miễn dịch của cơ thể không nhận ra, ngay cả khi chúng ta từng nhiễm bệnh trước đó.

Đó là lý do ta không thành lập cơ chế miễn dịch lâu dài với bệnh cúm và phải tiêm vaccine phòng ngừa hàng năm, bởi thế giới chưa điều chế thành công vaccine có tác dụng với mọi loại bệnh cúm. Với COVID-19, chúng ta thấy rằng bộ gene của virus SARS-CoV-2 có vẻ khá ổn định. Chúng không đột biến thoăn thoắt như virus cúm. Đó là tin đáng mừng với hệ miễn dịch của con người. Nếu hệ thống miễn dịch của chúng ta tích trữ một lượng tế bào trí nhớ miễn dịch này, nó có thể nhận ra virus SARS-CoV-2 nếu chúng lại xâm nhập vào cơ thể.

Sau đó thì thế nào?

Khả năng phát triển cơ chế miễn dịch lâu dài chống lại COVID-19 của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra lối thoát khỏi cơn khủng hoảng này, cũng như dỡ bỏ các lệnh phong tỏa giữ chân mọi người bấy lâu nay. Có nhiều lý do để chúng ta đặt thêm niềm tin và hy vọng, đối với nhiều chứng bệnh mà nói, một khi đã từng mắc phải, cơ thể chúng ta đã có khả năng miễn dịch. Chúng ta có lý do tin rằng hiện tượng này sẽ lặp lại đối với COVID-19, ít nhất là trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Tuy nhiên, khi còn chưa nắm trong tay nhiều dữ liệu và theo dõi tình trạng của người bệnh qua một thời gian dài hơn, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định điều gì.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết The Guardian

Được quan tâm

Tin mới nhất