Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Vì sao cháy rừng ở Australia thảm khốc tới mức này?

Đây là một năm tang thương đối với người dân Australia khi các trận cháy rừng vẫn hoành hành ngang ngược, gây nhiều hậu quả khôn lường.

Kể từ tháng 9 đến nay, nạn cháy rừng đã phá hủy hơn 1500 ngôi nhà trên khắp Australia, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 6 triệu ha đất bị thiêu rụi, hơn 500 triệu động vật hoang dã chết trong biển lửa. Chỉ tính riêng Victoria, số người mất tích đã lên đến 28.

Trong tuần đầu tiên của năm mới, hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch ở miền đông nam Australia đã phải sơ tán khẩn cấp vì hỏa hoạn lan nhanh trên diện rộng. Chính phủ đã điều động máy bay quân sự để vận chuyển nước, thực phẩm và nhiên liệu tiếp tế cho các thị trấn bị lửa bao vây.

Một người đàn ông ở Lake Conjola cố phun nước cứu lấy căn nhà đang bị lửa thiêu đốt.

Lý giải nguyên nhân cháy rừng ở Australia tồi tệ

Nhiệt độ cao kỷ lục, hạn hán kéo dài cùng với sức gió lớn đã khiến hỏa hoạn ở Australia lan rộng không kiểm soát. Giữa tháng 12 năm ngoái, cư dân một số vùng xứ chuột túi đã trải qua một ngày khủng khiếp khi thủy ngân nhiệt kế chạm đến con số 41,9°C. Làn sóng nhiệt vẫn tiếp tục vờn quanh miền đông nam, nhiệt độ ở thủ đô Canberra dự kiến sẽ lên đến 40,6°C trong tuần này.

Kangaroo chạy trốn khỏi biển lửa ở Lake Conjola, Australia.

Bên cạnh nền nhiệt nóng bức kinh người, Australia cũng phải oằn mình vượt qua mùa xuân khô hạn nhất lịch sử. Từ năm 2017 đến nay, hầu hết các khu vực ở bang New South Wales và Queensland đều không có đủ lượng mưa cần thiết.

Hạn hán đã giết lần giết mòn những vùng đất tạo ra nông sản tươi ngon nhất nước này, còn nhấn chìm chúng trong biển lửa.

Hỏa hoạn ở Yatte Yattah, New South Wales hôm 31/12.

Đến tháng 9/2019, chính phủ bắt đầu cảnh báo người dân về dấu hiệu nguy hiểm báo trước một mùa cháy rừng dữ dội. Ngày 9/9/2019, Binna Burra Lodge, khu du lịch non xanh nước biếc ở Queensland, đã thành tro tàn sau một đám cháy. Hỏa hoạn khủng khiếp bùng phát tại nơi ẩm ướt, mát mẻ như Binna Burra Lodge đã khiến nhiều người nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Bãi hoang tàn ở Conjola sau khi lửa đã tắt.

Tính đến đầu tháng 11/2019, 1500 lính cứu hỏa đã được điều động để dập tắt 70 đám cháy trên khắp New South Wales. Trong số 4 bang bị tàn phá nặng nề sau hỏa hoạn, khu vực bờ biển phía đông là nơi chịu hậu quả kinh khủng nhất.

Ngày 11/11/2019, lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, chính phủ Australia tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với nạn cháy rừng, đồng thời áp dụng hệ thống cảnh báo hiện đại. Dù rất nghiêm chỉnh thực thi lệnh cấm lửa, song Sydney vẫn chìm trong khói bụi mịt mù từ các đám cháy ngay trong thành phố lẫn khu vực bên ngoài, khiến chất lượng không khí tụt dốc báo động, bầu trời chuyển sắc đỏ cam mờ ảo. Những đám cháy lớn xảy ra liên tiếp và cách nhau quá gần sẽ tạo nên bão lửa, bên trong toàn là sấm sét, gió giật và lốc xoáy bỏng rát.

Lính cứu hỏa ở Lake Conjola chật vật dập lửa.

Hai ngày cuối năm 2019, New South Wales phải trải qua trong tang thương khi có ít nhất 7 người thiệt mạng trong biển lửa. Với số lượng thành viên lên đến hơn 70.000, Sở Phòng cháy chữa cháy Nông thôn New South Wales vẫn phải làm việc liên tục, đôi khi lên đến 12 tiếng/ngày để đối phó giặc lửa.

Hầu hết nhân viên của sở đều làm việc không lương, họ tình nguyện dùng công sức của mình để bảo vệ tài sản và người thân yêu, không chỉ của bản thân mà còn của đồng bào. Trung bình, mỗi ngày phải có 3000 người lính “tự phát” như thế lên đường cứu hỏa ở khắp nơi trên tiểu bang.

Trước sự tàn phá ngày một khủng khiếp của nạn cháy rừng, Australia vừa triển khai quân đội, vừa nhờ đồng minh chi viện giúp mình vượt qua “tâm bão”. Canada đã cam kết điều lính cứu hỏa sang nước này để hỗ trợ.

Du khách ở Lake Conjola tập trung bên bờ biển.

Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng càng tệ hơn

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ càng khiến nạn cháy rừng ở Australia diễn biến phức tạp hơn, với tần suất cao hơn. Rất hiếm có quốc gia phát triển nào lại dễ chịu tổn thương vì nạn cháy rừng như xứ chuột túi. Mùa hè ở Australia vốn đã khô nóng, biến đổi khí hậu càng khiến thời gian nắng nóng kéo dài, khiến thời tiết càng khó lường và thảm thực vật cằn cỗi, dễ bén lửa.

Một cư dân Fishermans Paradise, New South Wales tự dập lửa ngay trước nhà mình.

Tình trạng trên đã phản ánh sự yếu kém của nước này trong công tác giảm lượng khí thải carbon dioxide. Ngay cả khi thực sự muốn “chuyển mình” về chính sách năng lượng và biến đổi khí hậu, Australia cũng sẽ vấp phải tranh cãi gay gắt trong nội bộ chính phủ, một phần cũng do truyền thống khai thác mỏ và sản xuất than nổi danh bao lâu nay.

Theo các chuyên gia dự đoán, cháy rừng sẽ còn tiếp diễn ở Australia ít nhất là tới tháng 3.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết New York Times

Được quan tâm

Tin mới nhất