Để qua vòng sơ khảo, các ứng viên phải từng thử nghiệm công việc của một phi công, tương ứng với 3 năm kinh nghiệm chuyên môn hoặc 1.000 giờ lái máy bay phản lực. Ngoài ra, họ cần có bằng cấp loại ưu về khoa học, kỹ thuật hoặc toán học và phải vượt qua một quy trình tuyển chọn khắt khe hơn nhiều so với kỳ thi tuyển sinh của các trường đại học hàng đầu thế giới.
Một khi đã vượt qua quá trình tuyển chọn, họ sẽ chính thức trở thành phi hành gia với mức lương đáng ngưỡng mộ. NASA xác định lương của nhân viên dựa trên biểu phí chung về mức lương của Chính phủ Liên bang.
Theo đó, các phi hành gia được xếp vào thang lương GS-12 và GS-13, trong mỗi phân loại này lại chia thành các bậc từ 1 đến 10, dựa trên hiệu suất công việc và số năm phục vụ.
Ví dụ, một phi hành gia mới được xếp vào bậc 1 của thang GS-12 sẽ nhận mức lương 66.167 USD/năm. Nếu người này tiến lên bậc 10, tiền lương hàng năm của anh ta sẽ là 86.021 USD.
Trong trường hợp một phi hành gia có biểu hiện xuất sắc và phục vụ nhiều năm, anh ta sẽ được nâng lên bậc 10 của thang lương GS-13, tương đương 102.228 USD/năm.
Tuy nhiên, đó vẫn là con số ước tính. Mức lương thực tế của phi hành gia có thể nhiều hơn hay ít hơn số này, phụ thuộc vào địa điểm làm việc hoặc những nhiệm vụ mà họ tham gia. NASA hiện đang tuyển dụng thế hệ phi hành gia tiếp theo để quay lại Mặt trăng và tiến lên Sao Hỏa với mức lương dao động từ 104.898 – 161.141 USD/năm.
Ngày 27/5, Douglas Hurley và Robert Behnken sẽ là hai phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ trên tàu Crew Dragon của tập đoàn thám hiểm vũ trụ tư nhân SpaceX ở Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ), đánh dấu lần đầu tiên có phi hành gia bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ lãnh thổ nước này kể từ khi NASA dừng chương trình Tàu con thoi năm 2011.
Kể từ khi chương trình hoãn lại, NASA chỉ dùng tàu vũ trụ do Nga sản xuất để đưa con người lên ISS. Vì thế, sự kiện sắp tới chính là cột mốc quan trọng với cả cơ quan này lẫn SpaceX.
“Nhiệm vụ Demo-2 là bước đệm quan trọng cuối cùng trước khi NASA chứng nhận tàu Crew Dragon có thể được sử dụng trong các hành trình kéo dài đến trạm vũ trụ”, cơ quan này cho biết. “Việc này sẽ giúp NASA tiếp tục các cuộc điều tra nghiên cứu và phát triển công nghệ trên trạm vũ trụ, mang lại lợi ích cho mọi người trên Trái đất cũng như đặt nền móng cho việc thăm dò Mặt trăng và Sao Hỏa trong tương lai”.