Theo thông tin từ Nhà Trắng, tính đến nay, số lượng máy thở của nước Mỹ vẫn còn đủ dùng. Song trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, đội ngũ y bác sĩ sẽ buộc phải lựa chọn bệnh nhân nào được dùng máy thở và các thiết bị duy trì sự sống khác. Tại thời điểm này, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã lên kế hoạch sàng lọc bệnh nhân được ưu tiên cứu sống, chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra trong tương lai gần.
Bang New York kêu gọi dồn toàn lực để chữa trị cho những bệnh nhân có khả năng sống sót cao nhất, cũng có nghĩa là những người này sẽ được hỗ trợ bởi máy thở, dù trong trường hợp nguồn cung thiết bị khan hiếm.
Tuy nhiên, vào lúc này, vấn đề mới lại nảy sinh: Phải làm sao nếu xuất hiện quá nhiều bệnh nhân có khả năng phục hồi ngang nhau, nhưng số lượng máy thở chỉ hữu hạn? Khi đó, các bệnh viện không còn cách nào khác ngoài việc lựa chọn ngẫu nhiên.
Phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên sẽ công bằng hơn so với nguyên tắc “đến trước, được trước”, nhất là với những bệnh nhân sống trong môi trường có điều kiện kinh tế - xã hội yếu kém hơn, người không thể tiếp cận thông tin mới nhất về đại dịch, gặp bất lợi khi di chuyển, sống xa bệnh viện, hoặc nhóm dân cư thiểu số không có điều kiện chăm sóc sức khỏe do mất niềm tin vào hệ thống y tế. Tuy nhiên, loạt tiêu chuẩn do tiểu bang New York đề xuất không mang tính bắt buộc. Các bệnh viện vẫn có thể thành lập bộ quy tắc cho riêng mình để xác định đối tượng được ưu tiên cứu sống trong đại dịch.
Trong khi đó, nhiều tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ lại đề ra phương án giải quyết tình huống khiến những người đấu tranh vì quyền lợi của người khuyết tật sục sôi phẫn nộ, đơn cử như trường hợp của bang Alabama. Các nhà hoạt động vì nhân quyền đã đệ trình khiếu nại lên Văn phòng Quyền dân sự trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ vì chính sách sàng lọc bệnh nhân bị cho là thiếu đạo đức tại tiểu bang này.
Cụ thể, trong trường hợp thiếu máy thở, bang Alabama khuyến nghị bệnh viện không cung cấp thiết bị này cho những đối tượng có điều kiện sức khỏe không phù hợp tiêu chuẩn, trong đó có bệnh nhân suy tim, suy hô hấp và ung thư di căn.
Ngoài ra, những người chậm phát triển tâm thần, sa sút trí tuệ hoặc chấn thương sọ não nghiêm trọng cũng là nhóm bệnh nhân không được ưu tiên dùng máy thở. Theo các nhà hoạt động vì quyền lợi người khuyết tật, danh sách hạn chế quyền sử dụng máy tại Alabama có thể còn bao gồm những người mắc bệnh Alzheimer, người mắc hội chứng Down ở mọi lứa tuổi.
“Alabama sẵn sàng nắm quyền sinh sát trong tay, dễ dàng phán định cái chết cho vô số người chỉ vì họ mắc những chứng bệnh tiềm ẩn đó”, đơn khiếu nại viết. “Trên thực tế, khuyết tật về trí tuệ và nhận thức không thể là lý do khiến một người bị từ chối chăm sóc y tế, hoặc có cơ hội được cứu sống thấp hơn so với những bệnh nhân khác”.
“Trong thời kỳ khủng hoảng này, chúng ta không thể tước đoạt quyền được sống của bất cứ ai trong cộng đồng chỉ vì họ có khiếm khuyết. Đây là hành vi sai trái về đạo đức và vi phạm pháp luật”, trích lời James Tucker, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Người khuyết tật tại Alabama.
Ngày 27/3, Tổng thống Donald Trump cho biết nước này sẽ đẩy mạnh sản xuất 100.000 máy thở trong vòng 100 ngày tới. Tính đến ngày 28/3, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 104.256 ca nhiễm bệnh, 1.704 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong đó, có 130 ca bệnh mới và 8 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 28/3.