Y tá gây mê Derrick Smith không còn xa lạ với nỗi đau buồn khi bệnh nhân qua đời. Nhưng giờ đây, đại dịch COVID-19 lại đưa anh tới một thực tế hoàn toàn khác, mà anh mô tả là “đáng sợ hơn nhiều”.
Smith, người đang điều trị chủ yếu cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố New York (Mỹ), đã tiết lộ những lời cuối cùng bi thảm của một nam bệnh nhân thở máy cận kề cái chết. “Ai sẽ trả chi phí điều trị (cho tôi)”, bệnh nhân hỏi Smith khi hơi thở còn mệt nhọc.
“Đó là những lời cuối cùng tôi sẽ không bao giờ quên”, bác sĩ Smith nói với CNN. “(Bệnh nhân này) bị suy hô hấp nặng, khó nói, nhưng mối quan tâm chính của anh ta là ai có thể trả phí cho quá trình điều trị giúp anh ta kéo dài sự sống, dù lúc này khả năng sống sót của anh ấy không còn nữa”.
Biết rằng bệnh nhân rất có thể sẽ không hồi phục sau khi được đặt nội khí quản, Smith và các đồng nghiệp đã gọi vợ của người đàn ông để họ có cơ hội cuối cùng nói lời tạm biệt.
Hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ không qua khỏi sau khi phải dùng tới máy thở, với tỷ lệ tử vong lên tới 80% đối với bệnh nhân nhiễm bệnh đặt nội khí quản.
Dù dám chắc liệu bệnh nhân của mình có sống được hay không, y tá gây mê Smith nói điều đó “khó xảy ra”.
Smith nói những trải nghiệm hiện tại là “điều tồi tệ nhất” mà anh từng chứng kiến trong 12 năm làm công việc chăm sóc và gây mê bệnh nhân. “Tôi đã rất buồn và thành thật, một chút kinh hoàng. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã hoàn toàn thất bại khi người bệnh phải lo lắng tới vấn đề tài chính dù họ đang đối mặt với điều to tát hơn, liên quan tới sự sống hay cái chết”.
Y tá Smith đã không có câu trả lời cho câu hỏi của bệnh nhân ấy và thay vào đó để anh ấy trò chuyện lần cuối với người bạn đời. Dù hoàn cảnh này thật bi thảm, câu hỏi của nam bệnh nhân là hoàn toàn dễ hiểu.
“Đại dịch đã cho thấy nhiều bất cập về vấn đề tổ chức ở nước chúng ta, không chỉ là cách đối phó với đại dịch, mà cả cách tiếp cận với bảo hiểm y tế“, Smith nói.
Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Gần 28 triệu người Mỹ dưới 65 tuổi, tương đương 10,4%, không có bảo hiểm trong năm 2018, theo dữ liệu gần đây nhất của Cục điều tra dân số.
“Xử lý đại dịch COVID-19 với hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm không đầy đủ sẽ là mộtt thách thức đặc biệt với người Mỹ trong số các nước phát triển”, Larry Levitt, phó chủ tịch điều hành chính sách y tế tại Tổ chức phi lợi nhuận Kaiser nói.
Lo ngại chi phí cao có thể khiến nhiều người không đi kiểm tra nếu họ nghi mình có thể bị bệnh, nhiều công ty bảo hiểm và một số tiểu bang đang miễn chi phí xét nghiệm virus corona cho một số đối tượng. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ vẫn phải trả tiền cho sự thăm khám, xét nghiệm khác và các phương pháp điều trị COVID-19 hoặc bệnh khác mà họ có thể mắt phải.
Đối với những người Mỹ đang thất nghiệp, những người hưởng lợi ích bảo hiểm y tế từ công việc của họ, dịch bệnh khiến họ rơi vào cuộc khủng hoảng khác.
Tổng cộng, khoảng 16,8 triệu công nhân Mỹ, chiếm khoảng 11% lực lượng lao động Mỹ, đã nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp chỉ trong 3 tuần trước. “Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không cải thiện việc tiếp cận công bằng với chăm sóc sức khỏe“, y tá Smith nói.
“Do hậu quả từ việc nhiều người mất việc làm vì đại dịch, dân số không có bảo hiểm sẽ tăng lên và đây sẽ là một thách thức đối với những người dùng bảo hiểm y tế tư nhân. Từ phân tích cuối cùng, tôi thấy phí bảo hiểm có thể tăng tới 40% vào năm tới, vì vậy đó sẽ là một gánh nặng lớn hơn mà chúng ta cần nói đến”.