Trong bộ phim nổi tiếng “Crazy Rich Asians” của điện ảnh Hollywood, những người siêu giàu ở Singapore lái xe sang Ferraris, Lamborghinis, đi lại bằng máy bay riêng và tổ chức tiệc tùng trên một chiếc tàu chở hàng được tân trang thành hộp đêm trên biển, theo AFP.
Thực tế, giới siêu giàu ở Singapore có phong cách sống hoàn toàn khác xa với những gì được miêu tả trên phim ảnh.
Tỷ phú khép kín Peter Lim
Peter Lim, 65 tuổi, là một tỷ phú tự thân nổi tiếng ở Singapore, người sở hữu khối tài sản trị giá 2,45 tỷ USD. Lim là con trai của một người bán cá và đã gây dựng nên sự nghiệp từ nghề môi giới chứng khoán. Ông hiện kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, chăm sóc sức khỏe và thể thao.
Năm 2014, Lim mua câu lạc bộ bóng đá Valencia của Tây Ban Nha với giá 420 triệu euro (480 triệu USD), trong đó có 200 triệu euro để trả nợ cho câu lạc bộ này. Lim, một người hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng Manchester United, đã thất bại trong nỗ lực mua câu lạc bộ Liverpool vào năm 2010.
Lim thường né tránh công chúng, hiếm khi trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trước trước đám đông và có rất ít thông tin về đời sống riêng tư của ông.
Trùm bất động sản là tín đồ Cơ đốc giáo
Nhà tài phiệt Philip Ng là một người Cơ đốc giáo luôn đề cao đức tin của mình. Ông được mô tả là một người bình tĩnh, khiêm tốn, thường xuyên trích dẫn Kinh thánh khi trò chuyện.
Là người giàu nhất Singapore nhưng Ng luôn thận trọng đề phòng sự giàu có kiểm soát con người. Ông thường trích dẫn câu chuyện nổi tiếng trong Kinh thánh về một người giàu có muốn được lên thiên đàng nhưng không muốn chia sẻ tài sản của mình dù đã được Chúa Jesus khuyên bảo.
Ng và anh trai Robert Ng, người đứng đầu tập đoàn bất động sản Far East Organization, được Forbes bình chọn là người giàu nhất Singapore với tổng tài sản 11,9 tỷ USD. Công ty của Robert Ng có trụ sở tại Hong Kong và ông quản lý việc kinh doanh của gia đình tại thành phố miền nam Trung Quốc.
Tỷ phú ngành sơn chỉ đam mê du thuyền
Goh Cheng Liang, 91 tuổi, là người giàu thứ ba của Singapore với khối tài sản trị giá 8,5 tỷ USD.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cha thất nghiệp còn mẹ làm nghề giặt là. Gia đình ba người phải sống chui rúc trong một căn phòng đi thuê.
Sau thời gian làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng vật liệu xây dựng, ông mua vài thùng sơn trong một cuộc đấu giá do quân đội Anh tổ chức năm 1949. Những thùng sơn đó là khởi đầu cho đế chế kinh doanh của Liang. Công ty của ông hiện sở hữu cổ phần lớn trong tập đoàn sơn Nippon của Nhật Bản và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm bất động sản.
Liang có niềm đam mê lớn với các loại du thuyền và không quan tâm đến bất cứ thú vui nào khác. “Tôi không thích phim ảnh, ca nhạc, karaoke hay các quán bar”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Business Times của Singapore.