Một loạt các vụ tấn công liên tiếp
Vụ đánh bom tự sát vào 10 giờ đêm qua (Giờ địa phương) tại một quầy rượu ở thành phố Ansback, thuộc bang Bavaria, khiến ít nhất 12 người bị thương, lẽ ra còn có thể mang lại hậu quả tang thương hơn thế.
Được biết, nghi phạm, một thanh niên Syria 27 tuổi xin tị nạn ở Đức và đã bị từ chối, ban đầu đã tìm cách vào trong một lễ hội âm nhạc mang tên Ansbach Open cạnh đó. Lễ hội âm nhạc này dự kiến có khoảng 2.500 người tham dự.
Tuy nhiên, nghi phạm đã không vào được bên trong lễ hội do không có vé. Thay vào đó, kẻ giết người đã đi đến một quán bar ở trung tâm của Ansback và cho nổ một quả bom tự chế với đầy vụn kim loại và đinh vít. Vụ nổ khiến hắn chết ngay tại chỗ và 12 người khác bị thương, trong đó 3 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.
Sau vụ nổ, lễ hội âm nhạc bị hủy bỏ ngay lập tức, toàn bộ người tham gia đã phải sơ tán.
Thông tin điều tra cho thấy, kẻ đánh bom tự sát là một thanh niên đến từ Syria, 27 tuổi, đã từng xin tị nạn tại Đức nhưng bị từ chối. Lý do mà hắn vẫn còn được giữ lại ở nước này là vì lý do an toàn do Syria đang nội chiến dai dẳng.
Người đứng đầu cơ quan Nội vụ bang Bavaria, ông Joachim Herrmann cho biết sáng nay ông không loại trừ đó là một cuộc tấn công dính líu tới Hồi giáo cực đoan, nhấn mạnh tới chi tiết ba lô đầy chất nổ và mảnh kim loại. Cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra động cơ thực sự và mối liên hệ của kẻ giết người với các tổ chức khủng bố.
Đức hiện đang bị đặt vào tình trạng báo động cao sau một loạt các cuộc tấn công đẫm máu trong tuần qua, bao gồm vụ thiếu niên hai dòng máu Iran - Đức xả súng tại trung tâm Munich làm 9 người chết và hơn 20 người khác bị thương, vụ tấn công bằng rìu trên chuyến tàu gần Wuerzburg hôm đầu tuần và gần đây nhất là vụ một người đàn ông Syria tấn công một người thai phụ đến chết với một dao rựa và làm bị thương hai người khác bên ngoài một trạm xe buýt ở thành phố tây nam Reutlingen…
Làn sóng tranh cãi dâng cao
Các vụ tấn công làm dấy lên làn sóng phản đối với chính sách đón nhận dòng người tị nạn và di cư từ các nước Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt là từ Syria, tràn vào Đức và châu Âu thời gian qua.
Ban đầu đại đa số người dân hoan nghênh quyết định này của bà Merkel, người dân Đức sẵn sàng chào đón người tị nạn tại và tạo điều kiện thuận lợi cuộc sống tái định cư.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay khi toàn bộ nước Đức và châu Âu đang phải gồng mình với để giải quyết các vấn đề phát sinh, như cơ quan công quyền phải làm việc hết công suất để giải quyết hồ sơ của người tị nạn, trường học bệnh viện phải gia tăng nhân lực để phục vụ, trật tự trị an xã hội bị ảnh hưởng… và đặc biệt là nguy cơ về các cuộc tấn công bởi những phần tử khủng bố trà trộn.
Đã có những ý kiến nghi ngờ về hệ quả của chính sách nhân đạo và “trách nhiệm với những khổ đau của dân tị nạn” mà Thủ tướng Angela Merkel đang theo đuổi. Một số ý kiến gay gắt còn cho rằng chính những quyết sách về người nhập cư của bà Merkel đã mở đường cho tấn thảm kịch này.
“Phải thế nào thì Angela Merkel mới từ chức? Người Đức cần phải thức tỉnh. Bà ấy phải chịu trách nhiệm vì tất cả những điều này”, người dùng HillBuzz aka Kevin DuJan đã phẫn nộ viết trên Twitter. “Angela Merkel phải từ chức sau vụ này, vì bà ấy gây nguy hiểm cho toàn bộ châu Âu”, người dùng J Mäntyvaara viết.
Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng đã cho thấy đảng của bà Merkel sẽ gặp khó khăn trong cuộc tổng bầu cử vào năm tới. Đảng cầm quyền của bà Merkel có thể sẽ phải chịu thất bại trước Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức - một đảng chống người nhập cư - trong các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay.
Do đó, một loạt các cuộc tấn công đẫm máu trong tuần qua giống như “giọt nước tràn ly”, chắc chắn sẽ khiến cho bà Merkel phải đau đầu trong thời gian tới. Thủ tướng Đức nhiều khả năng sẽ phải ra một quyết sách phù hợp hơn để cân bằng giữa một bên là lợi ích của người dân Đức, châu Âu và một bên là “trách nhiệm trước những khổ đau” của những người dân tị nạn.