Mới đây, thông tin về một loại động vật quý hiếm được đăng tải đã khiến công chúng phải xôn xao. Không chỉ có ngoại hình “độc lạ”, chúng còn có cách thở đặc biệt khiến mọi người bất ngờ.
Cụ thể, loài động vật được nhắc đến ở đây chính là rùa Mary có tên khoa học là Elusor macrurus sống ở sông Mary, Queensland, Australia. Điểm giúp loài động vật này khiến người ta ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên chính là nhờ “bộ tóc xanh” (những đốm tảo xanh lá mọc trên đầu và thân giúp chúng trốn khỏi kẻ thù ăn thịt). Không những vậy, rùa Mary còn có hai chiếc râu mọc ngược dưới cằm giúp chúng cảm nhận môi trường xung quanh.
Loài rùa Mary chỉ được tìm thấy ở một nơi duy nhất trên Trái Đất chính là tại con sông Mary, Queensland ở Australia. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loại thực vật dưới nước, hạt, quả và thậm chí là cả ấu trùng của côn trùng. Ngoại hình vừa ngầu vừa bắt mắt với bộ tóc xanh giúp rùa Mary được săn đón mỗi lần lộ diện trên báo chí.
Điểm giúp rùa mary trở nên đặc biệt hơn nữa chính là cách nó thở. Theo đó, loại động vật này thở thông qua một cơ quan giống mang bên trong lỗ huyệt (bộ phận dùng để bài tiết và giao phối ở bò sát). Cơ quan này cũng cho phép rùa Mary có thể sống dưới nước suốt 3 ngày mà không cần ngoi lên thở.
Đến nay, số lượng rùa Mary còn sống ước tính chỉ khoảng 100 con. Ngoại hình đặc biệt khiến chúng bị con người săn bắt làm thú cưng và dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhất là ở giai đoạn thập niên 1960 – 1970. Hiện nay, rùa Mary đứng ở vị trí thứ 29 trong danh sách Động vật nguy cấp cần được bảo vệ trên toàn cầu.
Các nhà khoa học cho rằng tổ tiên của rùa Mary tóc xanh đã tách khỏi các dòng rùa từ hơn 18 triệu năm trước. Những con rùa này có thể đã sống cùng thời với các loài động vật vào khoảng 40 triệu năm trước. Chính vì vậy, rùa Mary là đại diện cho một phần không thể thay thế của di sản thiên nhiên thế giới cần được bảo vệ.