Một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trong thế giới tự nhiên vừa được phát hiện khi loài chim gà nước cổ trắng Aldabra, từng tuyệt chủng cách đây 136.000 năm, đã xuất hiện trở lại.
Quần đảo san hô Aldabra, nằm phía bắc Madagascar, là nơi sinh sống của loài chim độc đáo này, đã hai lần tiến hóa để trở thành loài không biết bay. Đây là loài chim duy nhất còn sống ở Ấn Độ Dương sau khi các loài như chim dodo biến mất.
Thoạt nhìn, gà nước cổ trắng Aldabra có vẻ ngoài đơn giản với kích thước tương tự một con gà, lưng xám, ngực đỏ và cổ họng trắng. Tuy nhiên, câu chuyện về sự tồn tại của chúng không hề bình thường. Cách đây 136.000 năm, loài này đã bị xóa sổ khi đảo san hô Aldabra chìm dưới biển, dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn của chúng. Nhưng sau khi đảo san hô nổi lên lại, loài chim họng trắng có khả năng bay đã đến đây và bắt đầu quá trình tiến hóa để trở thành loài không biết bay một lần nữa.
Nghiên cứu năm 2019 công bố trên tạp chí Động vật học của Hiệp hội Linnean cho thấy, hóa thạch chân của loài này nặng hơn và chắc chắn hơn, cho thấy sự thay đổi cơ thể để phù hợp với môi trường sống mới. Đặc điểm không biết bay đã trở thành lợi thế, giúp loài này tồn tại tốt hơn trên đảo.
Đây là một ví dụ điển hình về hiện tượng "tiến hóa lặp lại" - khi một loài đã tuyệt chủng nhưng sau đó một loài khác lại tiến hóa và phát triển những đặc điểm tương tự loài cũ. Gà nước cổ trắng Aldabra không chỉ đơn giản là quay trở lại, mà nó đã tái lập một quá trình tiến hóa hoàn toàn mới, khẳng định sức mạnh thích nghi của tự nhiên.
Việc phát hiện loài chim này đã mang lại niềm hy vọng và sự ngạc nhiên lớn cho giới khoa học, cho thấy thiên nhiên luôn có những cách kỳ diệu để hồi sinh và phát triển.