Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Mùa Vu Lan: Báo hiếu cha mẹ đâu chỉ một ngày…

Ngày Lễ Vu Lan là dịp để con cái báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nhưng báo hiếu cha mẹ đâu chỉ một ngày mà là cả một đời người. Dưới đây là một số câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ.

Lễ Vu Lan là thời khắc để con cái tỏ lòng thành kính tới đấng sinh thành và cứ vào ngày này, nhiều người lại tới chùa chiền để nghe giảng kinh, lễ Phật, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại luôn mạnh khỏe và an lành. Lễ hội này dần dần đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt và một số nước tại châu Á.

Tuy nhiên, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra“, cả một đời cha mẹ vất vả, tần tảo nuôi nấng con nên người thì con báo hiếu cha mẹ một ngày như vậy cũng đâu thể đủ với công ơn lớn lao đó. Vì vậy, ngoài cách sống cho thật tốt, trở thành người có ích để cha mẹ tự hào thì những người làm con hãy bớt chút thời gian của mình để quan tâm, chăm sóc cha mẹ hàng ngày bởi lẽ báo hiếu cha mẹ đâu chỉ một ngày…

Dưới đây là một số câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ trên thế giới:

Cô gái hy sinh cuộc sống từ năm 9 tuổi để kéo dài sự sống 16 năm cho mẹ nuôi

Khi những đứa trẻ cùng trang lứa được trải qua tuổi thơ vô lo vô nghĩ, được cắp sách tới trường thì Viên Phi, sống ở Tín Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc lại bỏ học, nhận mọi trách nhiệm chăm sóc người mẹ nuôi tật nguyền khi cô mới chỉ 9 tuổi.

Viên Phi sinh năm 1989 bị bố mẹ ruột bỏ rơi khi cô mới chào đời được 2 ngày, nhưng may mắn thay cô lại được vợ chồng ông Viên Minh Sơn và Huỳnh Thế Anh nhận nuôi. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua cho tới một ngày vào tháng 10/1997, mẹ nuôi của Viên Phi là bà Thế Anh bất ngờ bị đột quỵ, ngất xỉu trong sân và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy may mắn được cứu sống nhưng bà Thế Anh không thể đi lại được, cả đời phải nằm trên giường và không thể tự chăm sóc bản thân mình.

Vân Phi, Vân Phi, cô gái đã hy sinh cuộc sống từ năm 9 tuổi để kéo dài sự sống 16 năm cho mẹ nuôi.

Vào tháng 9/1998, Viên Phi bước vào lớp 3 tiểu học nhưng lúc này bố nuôi của cô cũng phải ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình. Tự nhận thấy không thể để mẹ ở nhà một mình nên Viên Phi quyết định tạm gác lại việc học của mình để chăm sóc cho người mẹ bệnh nặng. Mặc dù mới 9 tuổi và sở hữu thân hình gầy gò, cao chưa tới một mét nhưng Vân Phi đã phải quán xuyến mọi việc trong nhà từ việc cho mẹ ăn, xoa bóp chân tay cho mẹ, hay cả việc dọn nước tiểu, dọn phòng,… cô gái nhỏ cũng chẳng hề nề hà.

Bà Thế Anh trải qua 2 đời chồng, với người chồng thứ nhất, bà sinh được người con nhưng khi tiến tới hôn nhân với ông Viên Minh Sơn, bà lại không sinh thêm được đứa con nào nữa. Khi lớn lên, những người con của bà Thế Anh bắt đầu ra đời làm việc kiếm tiền thì Viên Phi lại chọn cách ở lại tiếp tục chăm sóc cho mẹ già. Thậm chí khi tới tuổi cập kê, cô còn thẳng thừng đưa ra yêu cầu với đối phương rằng sau khi kết hôn 2 vợ chồng sẽ cùng chung sống với mẹ và chăm sóc mẹ tới già.

Sau khi lấy chồng, cô vẫn không quên trách nhiệm chăm sóc cho mẹ già. Thậm chí, vào thời điểm Vân Phi chuyển dạ, cô vẫn lo lắng khi để mẹ già một mình nên cô đã nhờ họ hàng tới chăm mẹ thì lúc này cô mới an tâm tới bệnh viện để sinh con.

Vào tháng 8/2013, bà Thế Anh qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bạo bệnh. Ngày đó, bác sĩ nói rằng cuộc sống bà Thế Anh chỉ duy trì được 2 hoặc 3 tháng nhưng với sự chăm sóc tận tình của Viên Phi mà cuộc sống của bà có thể kéo dài một cách kỳ diệu trong suốt 16 năm. Sau khi mẹ nuôi qua đời, Vân Phi tiếp tục phụng dưỡng bố nuôi và chăm sóc cho bố mẹ chồng.

Hoa hậu Thái Lan quỳ gối trước người mẹ nhặt rác

Hoa hậu Thái Lan quỳ gối trước người mẹ nhặt rác sau khi đăng quang.

Khi đứng trên đỉnh cao danh vọng, trở thành người nổi tiếng được nhiều người biết đến, không ít người lại trở mặt ngó lơ, thậm chí là coi khinh đấng sinh thành. Tuy nhiên, khi vừa mới đăng quang hoa hậu, cô gái này lại không ngần ngại quỳ gối trước người mẹ nhặt rác của mình.

Nàng hoa hậu này tên là Mint Kanistha (17 tuổi) đã đăng quang trong cuộc thi Miss Uncensored News Thailand 2015, cuộc thi không phân biệt giới tính, dành cho các ladyboy (người chuyển giới nam sang nữ) và những cô gái thực thụ. Mint sinh ra trong một gia đình nghèo khó và từ nhỏ cô đã phải theo chân mẹ đi nhặt sắt vụn, chai lọ ở các bãi rác để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Do không có tiền để đi thi và học tiếp đại học nên Mint đã dừng lại con đường học tập của mình sau khi cô tốt nghiệp cấp 3. Trước đó, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cứ mỗi lúc rảnh rỗi, Mint lại đi nhặt sắt vụn và phân loại rác phụ mẹ.

Sau khi giành ngôi vị ở cuộc thi sắc đẹp, cô đã về quê, quỳ dưới chân người mẹ, bày tỏ lòng biết ơn công dưỡng dục. “Nếu ai đó hỏi liệu tôi có cảm thấy xấu hổ vì công việc của mẹ không, tôi sẽ trả lời là không. Tôi có ngày hôm nay chính là nhờ công việc này. Tôi làm việc chính đáng và kiếm tiền trong sạch, tại sao lại thấy xấu hổ chứ?“, hoa hậu này nói.

Con trai hiếu thảo cõng mẹ 15 năm trên lưng

Người đàn ông cõng mẹ bị liệt suốt 15 năm đi tìm việc làm.

Một câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo khác cũng thường xuyên được người dân tại ngôi làng Funiu, huyện Kỳ Giang, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc nhắc tới. Đó là câu chuyện về anh Wang Xianqiang, 37 tuổi, 15 năm cõng người mẹ bị liệt trên lưng và đi khắp nơi để tìm kiếm việc làm nuôi sống 2 mẹ con.

Khi anh Wang 14 tuổi, mẹ của anh là bà Tian Jinggui bất ngờ bị liệt, không thể đi lại. Năm 2003, cha của anh Wang cũng qua đời và đây là một cú sốc rất lớn đối với và Tian. Kể từ đó, bà Tian không còn muốn nói chuyện với bất cứ ai trừ con trai của mình.

Lúc đó, anh Wang đang làm việc tại tỉnh Chiết Giang - phía đông Trung Quốc đã trở về thành phố Trùng Khánh ở tây nam nước này để chăm sóc mẹ và anh quyết định cùng đưa bà lên thành phố tìm việc làm. Tuy nhiên, con đường tìm kiếm việc làm mới của anh lại chẳng hề dễ dàng vì khi anh đề nghị giờ giấc làm việc linh hoạt để có thời gian chăm sóc mẹ thì nhiều nhà tuyển dụng đã thẳng thừng từ chối anh.

Vào năm 2015, anh được một ông chủ điều hành nhà máy quần áo thương hại nhận vào làm nhưng nhà máy này chỉ hoạt động có 6 tháng trong một năm. Vào tháng 8/2018, khi nhà máy đóng cửa, anh đã đưa mẹ trở về làng và lúc này hội đồng làng quyết định nộp đơn xin trợ cấp cũng như một công việc cho phép anh ở gần mẹ.

Cử nhân đại học quỳ gối trước xe rác của cha để cảm ơn

Kalangnalong, chàng cử nhân đại học quỳ gối trước người cha sau khi nhận bằng tốt nghiệp.

Kalangnalong là cử nhân trường Đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan. Cha của Kalangnalong là một người lái xe chở rác nên lúc nhỏ anh thường hay mặc cảm về công việc của cha, thậm chí cảm thấy mất mặt về người cha này. Tuy nhiên, khi lớn lên, anh lại càng khâm phục người cha mới chỉ học hết lớp 4 của mình vì ông luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho anh, để anh không thua bạn kém bè.

Biết được nguyện vọng lớn nhất của cha là thấy con trai thi đỗ đại học, Kalangnalong tự nhủ phải không ngừng phấn đấu học tập và anh đã thi đỗ vào trường đại học danh tiếng hàng đầu Thái Lan. Trong suốt 4 năm đại học, cha của Kalangnalong lại càng cố gắng hơn nữa để kiếm đủ tiền nuôi anh ăn học. Vào ngày lễ tốt nghiệp, Kalangnalong đã mặc nguyên bộ đồ cử nhân, chạy đến trước chiếc xe chở rác của cha và quỳ xuống bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của ông.

Trong thời đại 4.0, vào ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, nhiều người thường đăng những dòng status cảm ơn tới đấng sinh thành của mình, nhưng các bạn à liệu những bậc làm cha làm mẹ, những người bán mặt cho đất bán lưng cho trời có mấy ai đọc được những dòng đó. Vì vậy, thay vì thể hiện tình cảm trên mạng xã hội, vào trong thế giới ảo ấy, các bạn hãy trực tiếp nói lời yêu thương tới bố mẹ vì đôi khi chỉ cần một cuộc điện thoại của bạn trong ngày này thôi đối với họ cũng đủ rồi. Chúng ta đang dần lớn lên và trưởng thành nhưng bố mẹ lại càng ngày càng già đi nên hãy nói lời yêu thương trước khi quá muộn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương An

Được quan tâm

Tin mới nhất