Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Lằn ranh sự sống, cái chết giữa đạn khói chiến tranh và điều không tưởng của bóng đá Yemen

Giữa cái chết, sự chia rẽ cùng muôn vàn khó khăn tại đất nước chìm trong chiến tranh suốt nhiều năm qua, đội tuyển bóng đá quốc gia Yemen đã làm được điều không tưởng khi lần đầu giành tấm vé thi đấu tại VCK Asian Cup 2019.

Khủng hoảng chính trị nhấn chìm mọi thứ

Khói lửa, bom đạn diễn ra dường như mỗi ngày trên đất nước Yemen trong cuộc chiến khốc liệt giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu với lực lượng Houthi.

Gần như mỗi ngày, các tin tức về những bi kịch mới đến từ Yemen, một quốc gia bị tàn phá bởi cuộc xung đột tàn khốc giữa phiến quân Houthi và liên minh quân sự do phương Tây hậu thuẫn dưới sự dẫn đầu của Saudi Arabia, đều xuất hiện.

Dịch tả ở Yemen giết chết hơn 2.000 người. Những vụ đánh bom trong đám cưới làm 30 người thiệt mạng. Số người chết trong cuộc xung đột ở Yemen vượt qua con số 10.000, 20.000, 50.000 người. Hơn hai triệu người phải rời bỏ quê hương. Các dòng tít mỗi ngày về tin tức Yemen là sự sợ hãi, gây sốc và xuất hiện đều đặn một cách đáng kinh ngạc.

Liên minh các quốc gia vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu đã ném bom nhằm vào phiến quân ở Yemen mỗi ngày, tùy tiện, không thương tiếc và người ta khó có thể hình dung về một kết thúc cho cuộc xung đột này. Yemen là một quốc gia nghèo và kém may mắn, không những vậy họ còn phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc. Đây không phải là tội ác duy nhất diễn ra ở Yemen, song các tội ác đều giống nhau. Yemen từng là một quốc gia có nền văn hóa và lịch sử lâu dài, dưới sự cai trị của Nữ hoàng Sheba và là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Nhưng giờ đây, nơi này đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Sân vận động 22 tháng Năm ở Aden hư hại sau các đợt tấn công của hai phe phái xung đột.

Người Yemen sống mỗi ngày giữa các vụ đánh bom đã cướp đi sinh mạng của những người thân yêu, hàng xóm, bạn bè, nhà cửa, nơi làm việc và sinh kế của họ.

Nhưng họ vẫn tiếp tục sống, tương tác với mọi người qua mạng xã hội. Và như những nơi khác, ở Yemen, bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất. Đội tuyển quốc gia Yemen, bằng cách nào đó, vẫn góp mặt trong các giải đấu quốc tế.

Tại Trung Đông, khu vực có nhiều bất ổn, một số đội bóng quốc gia đã truyền cảm hứng cho thế giới. Hãy nghĩ về người Syria, họ theo đuổi World Cup mặc cho cuộc nội chiến tàn khốc vẫn hàng ngày hàng giờ xé toạc đất nước. Hãy nghĩ về những người Iraq, họ đã đưa đội tuyển bóng đá có một chiến thắng chưa từng có tại Asian Cup năm 2007. Người dân tràn ra khắp đường phố trong niềm vui sướng để ăn mừng chiến thắng bất chấp các vụ đánh bom và bắn phá hàng ngày trong cuộc chiến kéo dài và thảm khốc tới tận bây giờ.

Người Yemen cũng thế. Đội tuyển quốc gia vẫn tiếp tục góp mặt trong vòng loại các giải đấu quốc tế, gần đây nhất là tại Cúp các quốc gia vùng Vịnh lần thứ 23 ở Kuwait và Asian Cup 2019.

Việc họ đã không tạo ra bất kỳ dấu ấn đáng nhớ nào, khi chịu thất bại trước Qatar và Iraq, âu cũng là điều dễ hiểu bởi cơ hội luyện tập của các cầu thủ đâu có nhiều. Dù vậy, việc góp mặt trong các giải đấu quốc tế trong bối cảnh đất nước xung đột đã là một thành công lớn của người Yemen.

Lối vào sân vận động Al Saqr Stadium ở Taiz, Yemen tan hoang. Ảnh: Ahmed Basha

Cầu thủ bỏ nghề thậm chí mất mạng vì cuộc chiến

Yemen đã cấm tổ chức các hoạt động thi đấu do những chiến dịch ném bom và hầu hết các câu lạc bộ tại đất nước này phải đóng cửa do không đủ tài chính để duy trì hoạt động. Nhiều CLB không thể bồi thường cho nhân viên và cầu thủ của họ. Một số cầu thủ khác đã bỏ nghề hoặc thi đấu ở các giải khác ở nước ngoài nếu có thể, ví dụ như Qatar Stars League.

“Các điều kiện trong nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tiến bộ của thể thao đất nước ở mức tối đa, đặc biệt khi các giải đấu bị đình chỉ trong 3 mùa qua. Điều này ảnh hưởng tới các cầu thủ nói chung”, Husain Ghazi, một cầu thủ mang quốc tịch Yemen chơi cho một số CLB ở Iraq kể từ khi cuộc chiến tại Yemen bắt đầu, cho hay. Anh hiện sống ở Ai Cập.

Chiến tranh đã ảnh hưởng đến mọi mặt trong sự nghiệp của tôi, kỹ thuật, thu nhập”, Khairi Yousef, cầu thủ đã rời Yemen đến Malaysia hai năm trước, nói.

Cả Ghazi và Yousef đều không có sự nghiệp như họ mong đợi, nhưng vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp cũ. Hầu như tất cả những người chơi chuyên nghiệp trước đây của Yemen đã bị buộc phải theo đuổi các nghề nghiệp khác để giúp nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình, từ lái xe buýt, taxi và xe máy hoặc làm việc trong siêu thị và cửa hàng tạp hóa.

Cầu thủ Suleiman Hazam giờ đây phải nấu ăn và bán khoai tây chiên trên đường phố Ibb để kiếm sống. Những người khác, như Shukri Al Dahiya và thủ môn Mohammed Ayash may mắn hơn khi có được các công việc trong chính phủ, nhưng tiền lương ít ỏi buộc họ phải làm thêm việc để kiếm thêm tiền.

Một tỷ lệ nhỏ các cầu thủ bóng đá Yemen được CLB của họ bồi thường. Như tiền vệ Fouad Al Omeisi, anh có nhận được tiền phụ cấp từ CLB nhưng khoản thanh toán đó hầu như không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của anh. “Tôi phải bỏ tiền túi để tới phòng thể hình”, anh nói. “Khoản thanh toán đó mang tính tượng trưng nhưng nó còn tốt hơn là không có gì”.

Với các giải đấu và phần lớn các cuộc thi bóng đá trong nước rơi vào bế tắc, một số cầu thủ Yemen đã và đang phải cầm vũ khí chống lại phiến quân Houthis. Cầu thủ Ali Gharaba và Abdullah Aref từng bị phiến quân Houthi bắn chết vào năm 2015. Một cầu thủ khác là Abdullah Al Bezaz cũng mất mạng ngay trước cửa nhà ở Al Hadida khi trúng 3 viên đạn.

Kỳ tích giữa khói đạn

Sân vận động Taiz’s Al Saqr không thể hoạt động sau các đợt dội bom. Ảnh: Ahmed Basha

Tại Iraq và Syria, các câu lạc bộ và sân vận động trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân Houthi và liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Sân vận động 22.000 chỗ ngồi ở Aden, một trong những sân vận động đẹp đẹp nhất Yemen và từng là nơi đăng cai cúp các quốc gia Vùng Vịnh năm 2010, đã bị tàn phá bởi các cuộc không kích, và giờ đây nó gần như không thể hoạt động được, chỉ còn lại vài khán đài và những khối bê tông.

Mặc dù kẹt giữa một cuộc chiến chưa có hồi kết, bằng cách nào đó, bóng đá vẫn tồn tại ở Yemen. Đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Abraham Mebratu đã làm được điều không tưởng khi ghi tên mình vào các đội dự giải Asian Cup 2019 sau khi giành 3 điểm quan trọng với trận thắng trước Nepal hồi tháng 3 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên đội tuyển quốc gia Yemen đạt kỳ tích sau khi thống nhất dưới một lá cờ và kể từ khi Nam Yemen tham dự giải đấu này vào năm 1976.

Dù HLV Mebratu rời đội tuyển, Yemen vẫn giữa được những cầu thủ trụ cột. Các cầu thủ Yemen đã giữ được phong độ bằng cách chơi ở các giải đấu nước ngoài, với một số lượng đáng chú ý cầu thủ chơi cho Qatar Stars League, một trong những giải bóng tốt nhất trong khu vực.

Qatar cũng cho phép liên đoàn bóng đá Yemen lập đại bản doanh và các trung tâm huấn luyện trong lãnh thổ của mình. Liên đoàn bóng đá Qatar gần đây cũng ra chính sách cho phép các cầu thủ Yemen nhập cư dễ dàng.

Góp mặt tại Asian Cup 2019 ở UAE, dù thất bại hai trận liên tiếp ở vòng bảng với trận thua nặng nề 0-5 trước Iran và thua 3 bàn không gỡ trước Iraq tại bảng D, Yemen thực sự vẫn khiến người ta nể phục. Bởi giữa cái chết, sự chia rẽ cùng muôn vàn khó khăn tại đất nước chìm trong chiến tranh, đội tuyển bóng đá quốc gia này đã làm được điều không tưởng - góp mặt tại một giải bóng lớn của châu lục.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bích Kiên

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?