Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Kỳ thi Đại học - cơ hội đổi đời, định đoạt tương lai của hàng triệu học sinh Trung Quốc

Đối với hầu hết người Trung Quốc, đặc biệt là những người không có điều kiện, việc đạt được điểm số cao trong bài thi Đại học (Cao Khảo) là cách duy nhất có thể thay đổi số phận của họ.

Kỳ thi đại học tại Trung Quốc thường được gọi là Cao Khảo, và mặc dù kỳ thi này có thể mang lại nhiều căng thẳng và nhiều sự tranh cãi, nó vẫn là cơ hội duy nhất để giúp các học sinh thiếu điều kiện vươn được tới đỉnh cao.

Bắt đầu từ 7/6, hơn 10 triệu sĩ tử Trung Quốc, trong đó phần lớn là các thí sinh 18 tuổi vừa tốt nghiệp cấp ba bắt đầu bước vào kỳ thi đại học Cao Khảo. Kỳ thi của các em kéo dài từ hai tới ba ngày.

Theo Bộ giáo dục Trung Quốc, một số lượng lớn học sinh trong số này cũng sẽ tham gia làm những bài thi Đại học khác sau khi vượt qua bài thi Cao Khảo lần này.

Theo Tân Hoa xã, các thí sinh cạnh tranh vô cùng quyết liệt để có thể vào những trường đại học hàng đầu đất nước, đồng thời phía nhà nước cũng sử dụng những rất nhiều biện pháp để ngăn chặn gian lận. Kể từ năm 2016, Trung Quốc coi việc gian lận trong thi cử là một hành vi vi phạm pháp luật.

Tại Trung Quốc, mọi người đều coi Cao Khảo là kỳ thi quan trọng nhất, có thể gây nên sự đột phá trong tương lai của thế hệ trẻ. Bài thi này cũng có thể giúp tạo ra sự cân bằng về mặt cơ hội cho những học sinh thuộc các tầng lớp giàu nghèo khác nhau.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tầm quan trọng của kỳ thi Cao Khảo, lịch sử cũng như những tranh cãi xoay quanh nó.

Một thí sinh đang xuất trình thẻ dự thi để vào trường cấp hai số 4 Bắc Kinh để tham dự kỳ thi Cao Khảo, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tại Bắc Kinh.

Cao Khảo là gì?

“Cao Khảo” là tên được rút gọn từ cái tên chính thức của kỳ thi này: Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Đây là bài thi kiểm tra trình độ dành cho hầu hết những học sinh tốt nghiệp cấp ba muốn tiếp tục theo học Đại học.

Kỳ thi Cao Khảo đầu tiên tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa diễn ra vào năm 1952, bị tạm ngưng 14 năm sau đó khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố rằng thế hệ trẻ có giáo dục, trong đó có Chủ tịch đương thời Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, cần phải tiếp xúc với vùng nông thôn để học hỏi thêm từ những người dân thường.

Kỳ thi được tiếp tục vào năm 1977 sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc. Vào năm 2001, người ta đã bỏ đi mức giới hạn độ tuổi tham gia kỳ thi Cao Khảo, và tới nay bất kỳ ai có bằng tốt nghiệp cấp ba đều có thể tham gia.

Vào năm 2008, một số lượng kỷ lục gồm 10,5 triệu thí sinh đã tham gia kỳ thi Cao Khảo, nhưng kể từ đó con số này đã giảm dần. Số lượng thí sinh sẽ tham gia vào kỳ thi năm nay là hơn 10 triệu, gần bằng con số kỷ lục đó.

Kỳ thi Cao Khảo sẽ gồm những môn thi nào

Trong kỳ thi Cao Khảo, các thí sinh sẽ phải tham gia thi ba môn bắt buộc: Tiếng Trung, Toán và Tiếng Anh, cùng với một môn thi bổ sung do thí sinh lựa chọn giữa nghệ thuật tự do và khoa học. Tổng thời gian thi các môn kéo dài 9 tiếng trong vòng hai ngày, bắt đầu từ ngày 7/6. Đôi khi các học sinh thuộc dân tộc thiểu số sẽ cần phải làm bài thi ngôn ngữ gốc của họ vào ngày 9/6.

Kỳ thi đổi đời

Kỳ thi Cao Khảo là giai đoạn then chốt dành cho học sinh trung học tại Trung Quốc do điểm số mà họ dành được sẽ quyết định một phần lớn tương lai của họ - liệu họ có thể theo học đại học hay không, họ sẽ theo học trường đại học nào và nghề nghiệp tương lai là gì.

Các thí sinh phải tham gia kỳ thi Cao Khảo mới có thể có cơ hội nhập học tại các trường đại học có danh tiếng, nơi sinh viên tốt nghiệp chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng với danh vọng, tiền tài và cả quyền lực.

Đối với hầu hết người Trung Quốc, đặc biệt là những người không có điều kiện, việc đạt được điểm số cao trong bài thi Cao Khảo là cách duy nhất có thể thay đổi số phận của họ.

“Tuy cơ hội rất ít ỏi nhưng đó là cách duy nhất giúp tôi rời khỏi quê nhà và sẵn sàng đối mặt với thế giới”, Yu Minhong, nhà sáng lập tổ chức Giáo dục Phương Đông mới, một trường giảng dạy ngôn ngữ tư lớn ở Trung Quốc. “Kỳ thi Cao Khảo trao cho các thí sinh ở cả vùng nông thôn và thành thị rất nhiều cơ hội. Nếu không có nó, hàng triệu đứa trẻ tới từ vùng nông thôn, trong đó có cả tôi, sẽ không có bất kỳ một hy vọng nào cả”.

Các bậc phụ huynh nhìn qua cổng trường thi nơi kỳ thi Cao Khảo đang diễn ra ngày đầu tiên.

Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời mình như thế nào

Câu trả lời duy nhất chính là học, học thật nhiều và học mọi lúc có thể. Rất nhiều học sinh hoàn thành chương trình phổ thông trong năm học thứ hai và dành cả năm còn lại để tham gia học thêm tại các trung tâm. Tại trường cấp hai Hengshui tại tỉnh Hebei, hơn 100 học sinh đã dành được cơ hội theo học tại các trường đại học Bắc Kinh và đại học Thanh Hoa danh giá. Các học sinh được cung cấp Vitamin IV nhằm giúp họ tập trung hơn trong việc học. Các học sinh nữ còn uống thuốc ngừa thai để khiến kỳ kinh tới muộn hơn sau kỳ thi.

Các bậc phụ huynh của các thí sinh cùng tạo dáng chụp ảnh tại trường thi Hành Thủy, tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Kỳ thi của cả xã hội

Các bậc phụ huynh thậm chí còn căng thẳng hơn cả các thí sinh. Họ đặt phòng khách sạn gần trung tâm nơi diễn ra kỳ thi để con cái mình có thể nghỉ ngơi giữa 2 bài thi vào buổi trưa hoặc tránh bị tắc đường vào giờ cao điểm buổi sáng.

Tuy việc chính quyền đưa ra cách chính sách đặc biệt như giảm thiểu giao thông gần khu vực thi nhằm phục vụ cho Cao Khảo là chuyện khá phổ biến, vẫn có những trường hợp các bậc phụ huynh tại An Huy, Giang Tô và Sơn Đông chặn đường vì lo rằng các phương tiện giao thông sẽ gây ảnh hưởng tới phần thi Nghe trong bài thi Tiếng Anh.

Các nhóm nhảy trên quảng trường tình nguyện ngưng việc luyện tập vào các đêm diễn ra kỳ thi, các công trường xây dựng cũng tạm ngưng hoạt động để các thí sinh được yên tĩnh. Vài vị phụ huynh còn mặc xườn xám tới địa điểm thi để mong con mình gặp may mắn.

Những tranh cãi

Người ta đã chỉ trích tính cạnh tranh quyết liệt và sự đặt nặng vào mặt điểm số của kỳ thi này do chúng khiến cho các thí sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh phải chịu những căng thẳng không đáng có, đồng thời cũng ngăn cơ hội có được một sự giáo dục đầy đủ của các học sinh.

Bộ giáo dục đã phân chia hạn ngạch tuyển sinh đại học tới từng tỉnh hoặc đô thị cấp tỉnh, ví dụ như Bắc Kinh và Thượng Hải dựa trên đăng ký hộ khẩu của các thí sinh, dẫn tới việc các chính sách địa phương ngăn cản việc các thí sinh từ nơi khác tới tham gia kỳ thi tại địa phương đó.

Điều này đã dẫn tới những cuộc biểu tình của các hộ gia đình công chuyển từ nơi khác tới. Họ yêu cầu chính quyền cho phép con họ được tham gia kỳ thi và được xét tuyển tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Tại Giang Tô, Chiết Giang và Hồ Bắc, các bậc phụ huynh cũng đã có những cuộc biểu tình phản đối kế hoạch gia tăng hạn ngạch tuyển sinh tại các tỉnh phía Tây của Bộ giáo dục nhằm gia tăng tính công bằng trong giáo dục.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết SCMP

Được quan tâm

Tin mới nhất