Trong chợ trang sức ở Mumbai, Kavita Jogani cẩn thận đặt chiếc vòng tay cưới của mình lên bàn cân của chủ tiệm.
Đó không phải là một quyết định dễ dàng khi bà Jogani đã rất tuyệt vọng sau khi công việc kinh doanh hàng may mặc bị ảnh hưởng nặng nề trong năm rưỡi qua với nhiều lần phong tỏa do Covid-19 khiến giao dịch ở cửa hàng ngưng trệ, không đủ tiền để trả lương cho 15 nhân viên.
“Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán vàng”, Jogani nói khi hồi hộp chờ chủ cửa hàng đưa ra giá. "Tôi đã mua chiếc vòng này trước đám cưới của mình cách đây 23 năm", người phụ nữ 45 tuổi nói với AFP.
Và bà không phải là người duy nhất phải bán vàng để sinh tồn. Các con số cho thấy hậu Covid-19, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đang gượng dậy từ vực sâu khủng hoảng kinh tế, nhưng nhiều người dân Ấn Độ vẫn khốn đốn vì thiếu hụt tài chính.
Doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng đã khiến hơn 230 triệu người rơi vào cảnh túng quẫn. Nhiều người phải chật vật trả tiền thuê nhà, học phí và viện phí. Giá điện, nhiên liệu và các mặt hàng khác tăng mạnh gần đây càng khiến người dân thêm khó khăn.
Nhiều gia đình và doanh nghiệp nhỏ phải thế chấp trang sức bằng vàng để được vay ngắn hạn, vượt qua tình trạng khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là cách cuối cùng của họ.
Dữ liệu của ngân hàng trung ương cho thấy, chỉ trong 8 tháng đầu năm, các ngân hàng đã giải ngân “khoản vay với trang sức vàng” trị giá 64 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vàng được người Ấn Độ xem là thiết yếu trong đám cưới, sinh nhật và các nghi lễ tôn giáo, cũng là tài sản an toàn để chuyển giao qua nhiều thế hệ. Đối với họ, vàng là khoản “an sinh xã hội” đảm bảo duy nhất.
Theo Kumar Jain, chủ tiệm vàng lâu đời ở Zaveri Bazaar (Mumbai), cho biết ông chưa bao giờ thấy nhiều người đến bán vàng như thế này.
Khách hàng của ông, chủ yếu là phụ nữ, đã bán rất nhiều trang sức cá nhân. “Đau lòng nhất là khi họ phải bán cả mangalsutra, chiếc vòng cổ dành cho người phụ nữ đã có gia đình”, ông nói.