Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Không về quê ăn Tết, giới trẻ Trung Quốc tránh phải nghe những câu hỏi kiểu 'bao giờ lấy chồng'

Amy Yuan, 28 tuổi, cảm thấy nhẹ nhõm sau khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế về quê đón Tết Nguyên đán để ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Amy Yuan, hiện làm việc ở Bắc Kinh và đang theo học để trở thành một họa sĩ minh họa. Trước đây, cô gái 28 tuổi thường đón Tết Nguyên đán ở quê nhà, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, nơi họ hàng, bạn bè và người thân thường hỏi cô đã có bạn trai chưa, hay bao giờ sẽ kết hôn...

Yuan đã phát chán khi cứ phải trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại từ năm nay qua năm khác, cho tới lúc cô chỉ biết im lặng mỗi khi người quen đề cập tới những vấn đề riêng tư đó.

Không về quê ăn Tết, giới trẻ Trung Quốc tránh phải nghe những câu hỏi kiểu 'bao giờ lấy chồng' Ảnh 1
Không về quê đón Tết, giới trẻ Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm vì tránh phải nghe những câu hỏi khiếm nhã.

"Năm nay chính phủ đã giúp những người như tôi thực sự hạnh phúc, vì cuối cùng cũng thoát khỏi những câu hỏi khó chịu đó", Yuan nói. "Mỗi người đều có kế hoạch sống khác nhau và không có chuẩn mực nào cho tất cả. Nhưng khi hỏi những câu đó, họ không mấy khi để ý đến đến hoàn cảnh và cảm xúc của tôi".

Đối với Yuan, Internet giúp cô giảm bớt khoảng cách với gia đình dù ở xa. "Tôi nói chuyện với bố mẹ qua WeChat gần như mỗi ngày, nên không có nhiều khác biệt khi năm nay tôi không về nhà đón Tết. Tôi sẽ tranh thủ thời gian nghỉ lễ để thu thập tài liệu vẽ và thực hành minh họa".

Không về quê ăn Tết, giới trẻ Trung Quốc tránh phải nghe những câu hỏi kiểu 'bao giờ lấy chồng' Ảnh 2
Một nhà ga vắng tanh khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi "người nào ở đâu, ở yên tại đó" để tránh dịch Covid-19.

Yuan không phải người duy nhất cảm thấy nhẹ nhõm khi bỏ lỡ dịp đoàn tụ gia đình bạn bè, vốn là phần không thể thiếu của trong kỳ nghỉ Tết kéo dài cả tuần. 

Với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đây cũng là dịp họ phải đối mặt những câu hỏi không mong muốn từ người thân. Theo một danh sách do dân mạng Trung Quốc tổng hợp, những câu hỏi đáng sợ nhất bao gồm: "Tại sao không có bạn trai hoặc bạn gái?", "Tại sao không kết hôn?", "Bao giờ đẻ?", "Khi nào sẽ đẻ đứa thứ hai?", "Lương bao nhiêu?", "Có thưởng hay học bổng không?", "Khi nào mua nhà?".

Theo ước tính của chính phủ và ngành đường sắt, hơn 100 triệu người sẽ không tham gia vào đợt Xuân vận năm nay, giảm 60% so mức trung bình vào dịp Tết những năm trước. Theo một cuộc khảo sát được tạp chí China Comment công bố mới đây, đa số người dân đều chú ý đến lời kêu gọi cả nước ở yên một chỗ và giảm nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19. 

Một số người được hỏi cho biết, họ sợ phải cách ly bắt buộc nếu bất ngờ có ổ dịch bùng phát tại địa phương. Một số khác viện lý do công việc hoặc các kế hoạch khác để không về quê đón Tết. Nó rất khác so với đợt Xuân vận năm trước, thời điểm ấy sự lây lan của Covid-19 vẫn chưa rõ ràng.

Ada Zang, cũng sống tại Bắc Kinh, cho biết, cô rất vui khi ở lại thủ đô. Trong khi đại dịch khiến dịp lễ lớn nhất trong năm trở nên u ám, Zang coi đây là cơ hội để cô dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ mình.

Không về quê ăn Tết, giới trẻ Trung Quốc tránh phải nghe những câu hỏi kiểu 'bao giờ lấy chồng' Ảnh 3
Chuyến tàu đến Hồ Nam hôm 28/1 cũng không một bóng người.

Hàng năm, Zang thường phải về thăm bố mẹ chồng ở Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc. Nhưng năm nay, cô sẽ ở lại Bắc Kinh với bố mẹ đẻ.

Đối với chuyên gia truyền thông Xie ở Bắc Kinh, dịp Tết năm nay sẽ là cơ hội để cô nghỉ ngơi mà không phải bận tâm đến những lễ nghi rườm rà. Cô đã định trở về quê ở tỉnh An Huy. "Nhưng bây giờ tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì không cần phải về quê đón Tết".

"Vừa qua là một năm mệt mỏi đối với tôi, việc đi thăm bạn bè và người thân ở quê sẽ khiến tôi càng cảm thấy mệt mỏi hơn. Bây giờ tôi khá thoải mái khi được ở lại Bắc Kinh. Có thể tôi sẽ thực hiện chuyến đi ngắn ngày tới vùng ngoại ô trong kỳ nghỉ để thư giãn, nghỉ ngơi", Xie nói.

Trong khi đó nhiều người lựa chọn trở về quê thăm cha mẹ, họ hàng sớm vài tuần để tránh đợt xuân vận đông đúc và nguy cơ lây nhiễm cao. Shan Ning, học viên quan hệ công chúng ở Thượng Hải, đã trở lại thành phố sau hai tuần đi thăm họ hàng ở tỉnh Hồ Nam và Chiết Giang.

"Nhiều bạn bè tôi cũng ở lại thành phố trong dịp Tết này, chúng tôi sẽ cùng nhau đón năm mới nên sẽ không cảm thấy cô đơn nữa", Ning nói.

Tại thành phố Quảng Châu, cố vấn internet Adele Jiang cho biết cô sẽ đón năm mới với bố mẹ, nhưng không phải ở quê của họ. Người phụ nữ 35 tuổi này vừa mua và cải tạo một căn hộ ở thủ phủ tỉnh Quảng Đông và cả gia đình họ sẽ dành kỳ nghỉ ở đó.

"Tôi quyết định không quay lại quê nhà vì trong dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi đã bị mắc kẹt ở nhà bố mẹ tại thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Tôi sợ điều gì đó tương tự có thể xảy ra lần nữa trong năm nay. Nếu điều đó xảy ra, công việc của tôi sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng", Jiang cho hay.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Vy

Được quan tâm

Tin mới nhất