Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Không mong tiền lì xì hay quần áo mới, có 9 triệu đứa trẻ bị 'bỏ rơi' chỉ mong nhận được hơi ấm của cha mẹ

Đan Vy (Thời Đại) Theo dõi Saostar trên google news

Chẳng mong đồ chơi, cũng chẳng cần quần áo mới, món quà duy nhất có thể khiến những đứa trẻ này vui chỉ có thể là hơi ấm của gia đình.

Hơn ba năm qua, nhiếp ảnh gia Ren Shichen đã xách máy đi khắp Trung Quốc để thực hiện bộ ảnh về những đứa trẻ nông thôn bị bố mẹ bỏ lại để lên thành phố kiếm sống. Ước tính số trẻ em phải sống thiếu tình thương của cha mẹ đã lên tới hơn 9 triệu.

Qua những bức hình chụp các em nhỏ lam lũ với anh mắt cô đơn tới ám ảnh, tác giả muốn người xem nhận thấy mặt trái của sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc. Ảnh hưởng tâm lý mà những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại với người thân để tới các thành phố lớn mưu sinh là không hề nhỏ.

“Rất nhiều ông bố bà mẹ bỏ con lại để đi làm xa từ khi chúng còn rất nhỏ, chỉ mới 1 hay 2 tuổi. Để rồi giờ đây khi họ gọi điện về nhà, con cái họ còn không buồn bắt máy. Giữa cha mẹ và con cái chẳng còn chút liên hệ tình cảm nào cả”, Ren cho biết.

Mẹ bé Gou Lingyu (6 tuổi) đã bỏ nhà đi từ khi con gái mới 6 tháng tuổi. Hiện cô bé chỉ sống cùng bố và ngày ngày vẫn tự hỏi “Mẹ đang ở đâu? Mẹ có về với con nữa không?”.

Hơn 100 bức ảnh chân dung, phần lớn được chụp ở tỉnh Cam Túc, miền quê nghèo khó nhất quốc gia tỷ dân cũng là hơn 100 hoàn cảnh éo le khác nhau. Dù mỗi nhà mỗi cảnh nhưng các em đều là những đứa trẻ đáng thương thiếu vắng tình thương của cha mẹ.

Nhiếp ảnh gia Ren đã xin phép người giám hộ để chụp ảnh các em bên cạnh chiếc bảng đen ghi những lời nhắn nhủ từ trong tận đáy lòng gửi tới cha mẹ. Bộ ảnh của Ren Shichen đã giành giải ba trong Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới Sony hạng mục ảnh chân dung năm 2017.

Hơn 9 triệu đứa trẻ với những tổn thương không thể bù đắp

Không chỉ chụp ảnh, Ren còn kiên nhẫn lắng nghe, tâm sự với mỗi đứa trẻ mà anh chụp và câu chuyện của chúng khiến người nghệ sĩ cảm thấy nhói lòng.

“Từng lời bọn trẻ nói khiến tôi cảm thấy như tim mình bị bóp nghẹt. Không một ai quan tâm đến thế giới tâm hồn của các em. Bố mẹ chúng chỉ có thể đi làm kiếm tiền lo những nhu cầu thiết yếu như đồ ăn, quần áo mà quên mất tâm lý, tình cảm của con mình”, Ren chia sẻ.

Năm 2015, Ren gặp Li Guojun, cậu bé 14 tuổi có mẹ tự tử và bố hiện không biết lưu lạc nơi đâu. Mẹ cậu đã quyết định từ giã cõi đời sau một cuộc cãi vã với chồng, để lại đứa con thơ bơ vơ không cha không mẹ.

Còn bé Wang Zixuan, 8 tuổi, lại rất nhờ bố mẹ vì họ đã đi làm xa 3 năm nay chưa thấy trở về.

Lại có một bé trai khác, mới chỉ tí tuổi đầu nhưng trong lòng ngập tràn thù hận. Khi Ren hỏi muốn nói gì với mẹ, đứa trẻ này đã không ngần ngại nói căm thù mẹ vì bà đã bỏ bố con em khi ông phải đi làm xa kiếm tiền. Những lời nói đó thật khiến chúng ta cảm thấy nhức nhối.

Theo số liệu chính thức năm 2016, có 9,02 triệu trẻ em dưới 16 tuổi ở nông thôn Trung Quốc bị bố mẹ bỏ lại sống với người thân để đi làm xa. Trước đó, một kết quả thống kê năm 2010 cũng cho thấy hơn 60 triệu trẻ em dưới 18 tuổi sống thiếu cha hoặc mẹ, hoặc cả hai.

Số liệu cho thấy, hơn 9 triệu trẻ em bị bố mẹ bỏ lại quê nhà. (Ảnh: CNN)

Không chỉ thiếu vắng tình thương của cha mẹ, những đứa trẻ này còn có nguy cơ bị lạm dụng, gặp vấn đề về tâm thần và ứng xử cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.

Năm 2016, Trung Quốc đã ban hành chính sách bảo vệ trẻ em bị bỏ lại, đồng thời kêu gọi các bậc cha mẹ thường xuyên giữ liên lạc với con qua điện thoại hoặc video chat. Tuy nhiên, đây cũng không phải là biện pháp để giải quyết triệt để vấn đề và người chịu tổn thương nhiều nhất chính là những đứa trẻ với tuổi thơ không thể lấp đầy.

Cậu bé Zhao Jinbao, 7 tuổi: “Bố ơi, khi nào bố mới về? Bố cháu đã đến thành phố Bạch Ngân để làm việc, còn mẹ cháu nấu ăn và lao động ở nông trường”.

Hai anh em ruột Zang Yixuan, 5 tuổi và Zang Yaxuan, 4 tuổi: “Có phải mẹ muốn có con trai khác không?”.

Cậu bé Ma Haishan chia sẻ: “Khi lớn lên, cháu muốn trở thành một bác sĩ. Bố cháu đã qua đời vì bệnh dạ dày vào năm 2012. Cháu rất nhớ bố. Cháu muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người”.

Cậu bé Ma Jincai lại có một mơ ước khác: “Cháu muốn trở thành một cảnh sát. Bố cháu đã bị chôn vùi khi đang đào than trong hầm mỏ vào năm 2011”.

Cô bé Zhang Zhiyi lại chia sẻ một khía cạnh khác của cuộc sống: “Bố cháu nghiện cờ bạc, mẹ không thích như vậy nên mỗi lần bố thua bạc, mẹ đều rất tức giận và họ lại cãi nhau. Lúc đó, cháu vô cùng sợ hãi”.

“Mẹ cháu đã tự tử sau một lần tranh cãi nảy lửa với bố. Cháu rất nhớ mẹ”, cậu bé Li Guojun, 14 tuổi cho biết.

Bé gái Zhaomin, 7 tuổi chia sẻ: “Mẹ cháu đã bỏ nhà đi vì bố nghiện ngập. Bây giờ bố đang đi làm xa, nhưng cháu chẳng biết ở đâu. Cháu đã sống với ông bà từ nhỏ”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đan Vy (Thời Đại)

Được quan tâm

Tin mới nhất
PILI Fashion khai trương cửa hàng flagship đầu tiên, thổi "làn gió mới" vào thời trang pickleball