Thứ Sáu (27/7) tuần này, nhân loại sẽ đón nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21. Khi đó, Mặt trăng sẽ đi vào vùng bóng tối của Trái đất. Khi đó, màu sắc của Mặt trăng sẽ dần đổi sang màu đỏ như máu. Cũng vì lẽ đó, nguyệt thực toàn phần còn được gọi là “Mặt trăng máu”.
Ở một số nơi, người ta vẫn coi hiện tượng này là dấu hiệu của sự diệt vong. Trên thực tế, hiện tượng này xảy ra do ánh sáng Mặt trời được lọc qua bầu khí quyển của Trái đất, tạo ra ánh sáng màu đỏ khi nó chiếu lên bề mặt Mặt trăng.
Cùng lúc diễn ra nguyệt thực, sao Hỏa, với độ tỏa sáng tối đa, sẽ xuất hiện bên dưới Mặt trăng. Lần cuối hành tinh đỏ lớn hơn và rực rỡ hơn là vào năm 2003, khi khoảng cách giữa sao Hỏa và Trái đất là 56 triệu km.
Hình ảnh sao Mộc rực rỡ ở phía tây nam cũng sẽ được nhìn thấy vào ngày 27/7 và các nhà chiêm tinh nghiệp dư cũng sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng hành tinh này trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Robin Scagell, phó chủ tịch của Hiệp hội thiên văn học Anh, cho biết: “Một nguyệt thực toàn phần, sao Hỏa, sao Mộc và Trạm vũ trụ quốc tế. Bạn còn muốn gì hơn nữa?”.
Ông Scagell cũng chỉ ra rằng, sự xuất hiện của Mặt trăng phụ thuộc vào các điều kiện khí quyển bao quanh Trái đất vào thời điểm xảy ra nguyệt thực. Nhưng bụi từ những vụ phun trào núi lửa gần đây ở Hawaii và Guatemala sẽ bay vào khí quyển và vì thế có thể Mặt trăng sẽ có một màu đỏ đậm hơn.
Ông nói: “Bạn có thể thấy mặt trăng màu đỏ thẫm trông rất kỳ lạ. Tất cả chúng ta đều gọi đây là 'trăng máu'. Chắc chắn nó sẽ trông rất lạ. Trước đây, nguyệt thực toàn phần đem lại cảm giác như tận thế. Không hề ngạc nhiên khi mọi người từng rất sợ hãi hiện tượng này“.
Đối với những người ở Anh, “Mặt trăng máu” sẽ nhô lên khi bầu trời phía đông nam đã hoàn toàn chìm trong bóng tối của Trái Đất. Nguyệt thực sẽ xảy ra vào lúc 20h49’ tối tại London và 21h46’ tối ở Glasgow. Người dân ở đây sẽ phải thức đêm đó để có chiêm ngưỡng hiện tượng này vì nó xảy ra khá nhanh trên bầu trời từ tây sang đông.
Còn tại Việt Nam, người yêu thiên văn có cơ hội quan sát nguyệt thực kéo dài hơn 5 tiếng rạng sáng 28/7, từ 00h14 đến 6h28, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h30 đến 4h13. Tuy nhiên, không phải vùng nào trên cả nước cũng thuận lợi để theo dõi hiện tượng trên bởi còn tùy vào thời tiết mưa hay không.
Không giống như nhật thực, chúng ta đều có thể quan sát cả nguyệt thực dài nhất thế kỷ lần này và việc sao Hỏa tỏa sáng nhất trong 15 năm qua bằng mắt thường mà không cần kính bảo vệ.