Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Khoảnh khắc cuối cùng của máy bay Indonesia: Lặng lẽ không tiếng động rồi lao sầm xuống biển

Theo hai ngư dân ở gần hiện trường vụ máy bay Lion Air rơi hôm 29/10, họ không nghe thấy bất kỳ tiếng động nào cho tới khi phi cơ đâm sầm xuống biển.

Mảnh vỡ máy bay cùng vật dụng của hành khách trôi nổi trên mặt nước tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: EPA

Ngư dân Budi và Gauk rời khỏi nhà trước lúc bình minh ngày 29/10 cùng lưới đánh cá xếp trên thuyền gỗ để chuẩn bị ra khơi ở bờ biển phía đông bắc Jakarta. Thời tiết lúc này khá thuận lợi.

Cùng lúc đó, ở phía bên kia thủ đô của Indonesia, các hành khách đang ở quầy check-in làm thủ tục lên chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air.

Chỉ vài phút sau đó, lúc 6h30, chiếc máy bay chở 189 người gặp nạn khi lao xuống vùng biển ở Tây Java.

Chiếc Boeing 737 Max 8 rơi gần Budi và Gauk khi hai ngư dân đang câu cá, cách bờ khoảng 15 km. Hai người đàn ông không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào cho tới khi máy bay đâm sầm xuống biển.

Lúc đó bạn có thể cảm thấy sự bùng nổ từ sóng xung kích trên mặt nước”, Gauk nói.

Cảnh sát, thuyền cao su và xe cứu thương được điều động tới bờ biển gần hiện trường vụ tai nạn, nhưng không ai nghĩ sẽ tìm được người sống sót bởi vụ tai nạn là quá thảm khốc.

Đội cứu hộ trục vớt các vật dụng của hành khách và đánh dấu theo thứ tự. Ảnh: EPA

Ông Yusuf Latief, người phát ngôn của Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia, cho biết có khả năng không có người sống sót trong vụ tai nạn. Giới chức cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về nguyên nhân của thảm kịch.

Dịch vụ hàng không đóng vai trò quan trọng ở Indonesia, một đất nước với hơn 17.000 hòn đảo trải dài khoảng 5.100 km từ đông sang tây (gần bằng khoảng cách từ New York tới London).

Mặc dù là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, Indonesia chứng kiến rất nhiều thảm kịch hàng không.

Lion Air, hãng hàng không giá rẻ chi phối thị trường du lịch hàng không nội địa của Indonesia, đã để xảy ra hơn 10 vụ tai nạn gần 20 năm hoạt động nhưng không có trường hợp nào gây tử vong kể từ năm 2004.

Cơ trưởng của chuyến bay khởi hành từ Jakarta đến Pangkal Pinang, thị trấn nằm trên Bangka, một hòn đảo có bãi biển nằm ngoài khơi Sumatra, là ông Bhavye Suneja, một công dân Ấn Độ 31 tuổi đến từ New Delhi. Ông và một hành khách Ý được cho là những người nước ngoài duy nhất có mặt trên khoang.

Ông Bhavye đã làm việc cho hãng Lion Air từ năm 2011, với kinh nghiệm 6.000 giờ bay. Trên Facebook cá nhân, ông có đăng hình ảnh của mình trong bộ đồng phục của Lion Air và đang mỉm cười.

Chỉ ít phút sau khi máy bay cất cánh lúc 6h20, cơ trưởng Bhavye đã báo vấn đề kỹ thuật tới đài không lưu và được các nhân viên dưới mặt đất cho phép quay đầu.

Người thân các hành khách trên chuyến bay JT610 khóc lặng khi nghe tin dữ. Ảnh: AAP

Dữ liệu từ FlightRadar24 cho thấy dấu hiệu đầu tiên của một điều gì đó không ổn xảy ra khoảng 2 phút sau khi máy bay cất cánh, khi nó đã đạt tới độ cao khoảng 2.000 feet (610 m).

Chiếc máy bay sau đó hạ độ cao xuống hơn 490 feet, rẽ sang bên trái và sau đó bắt đầu đạt độ cao bất thường tới 5.000 feet (1.500 m). Những giây phút cuối cùng trước khi mất tín hiệu với trạm không lưu, máy bay di chuyển ở độ cao 3.650 feet (1.112 m).

Máy bay gặp nạn là chiếc Boeing 737 Max 8l. Đây là mẫu máy bay 737 nổi tiếng nhất của Boeing, bán chạy nhất và lựa chọn phổ biến của các hãng hàng không giá rẻ trên toàn thế giới. Chiếc máy bay gặp nạn hôm 29/10 gần như hoàn toàn mới bởi nó lần đầu phục vụ hành khách vào ngày 15/8.

Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait hôm 29/10 cho biết phi cơ đã gặp phải “một vấn đề kỹ thuật chưa được xác định” trên chuyến bay trước đó (vào đêm 28/10) nhưng đã được xử lý theo đúng quy trình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Reuters

Được quan tâm

Tin mới nhất