Người dân tại quốc đảo có một truyền thống nhớ ơn tổ tiên và thắt chặt tình thân trong gia đình khá độc đáo. Nghi thức này còn được gọi là Famadihana (Lễ thay xương), thường diễn ra trong hầm mộ của gia đình 7 năm một lần hoặc lâu hơn. Theo nhà sử học Mahery Andrianahag, đây là một trong những nghi thức phổ biến nhất của Madagascar.
Ông Rakotonarivo Henri (55 tuổi) - một nông dân nói: “Chúng ta nợ tổ tiên mọi thứ, vì vậy đây là dịp để chúng ta nói lời biết ơn. Trong dịp này, tôi cầu mong sức khỏe, tiền tài cho gia đình”.
Lễ hội được người Madagascar xem là sự kiện văn hóa truyền thống, không liên quan đến tôn giáo. Thời gian gần đây, bệnh dịch hạch bùng phát và lan rộng tại quốc gia Ấn Độ Dương đến tình trạng đáng báo động. Các chuyên gia dịch tễ học của Bộ Y tế đã quan sát và nhận định rằng, mùa dịch hạch trùng khớp với thời gian diễn ra lễ hội Famadihana, được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 10.
Kể từ tháng 8, đã có hơn 1.100 người mắc bệnh, 124 ca tử vong. Bác sĩ Willy Randriamarotia nhận định: “Nếu một người chết vì bệnh viêm phổi, sau đó được khai quật lên, vi khuẩn vẫn có thể lây truyền cho bất cứ ai quanh đó”.
Tuy vậy, bỏ qua mọi lời khuyến cáo của các bác sĩ và cấp chính quyền, người dân vẫn đưa ra những lý do để tiếp tục nghi thức này.
Helene Raveloharisoa, một người thường tham gia nghi lễ, nói: “Tôi không muốn người đã khuất bị chìm vào quên lãng. Chính họ đã cho chúng ta sự sống. Tôi sẽ vẫn tham gia nghi thức này. Nó và bệnh dịch hạch chẳng có liên quan gì đến nhau cả”.