Hầu hết các mũi tiêm Covid-19 được chứng minh hiệu quả đều là vaccine dùng hai liều: Mọi người được tiêm hai phần của cùng một công thức vào bắp tay, cách nhau vài tuần hoặc vài tháng.
Nhiều tháng sau khi triển khai tiêm vaccine, một số quốc gia đã tiến hành tiêm mũi thứ hai của hãng khác nhau trong một số trường hợp. Có nghiên cứu chỉ ra việc tiêm trộn hai loại vaccine có thể đem lại lợi ích. Với tình trạng khan hiếm vaccine đang làm chậm quá trình bình thường trở lại của thế giới, việc tiêm trộn có thể là chiến lược giúp thế giới nhanh chóng chấm dứt đại dịch, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, việc tiêm trộn chỉ nên dùng trong trường hợp bất khả kháng.
Vào tháng 3, lo ngại về cục máu đông hiếm gặp liên quan đến vaccine của AstraZeneca đã khiến một số quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, tạm dừng sử dụng mũi tiêm này. Một số quốc gia châu Âu đã sớm cho phép tiêm liều thứ hai khác loại cho những người đã tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mặc dù sự kết hợp này chưa qua thử nghiệm lâm sàng.
Các quốc gia như Canada cho hay, việc nguồn cung vaccine AstraZeneca bị hạn chế là lý do khiến nước này quyết định tiêm trộn. Việc này trở nên phổ biến hơn ở các quốc gia đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine ổn định.
Một số người - bao gồm cả những giám đốc điều hành công ty dược phẩm - đã cố tình chuyển sang tiêm loại khác ở mũi 2 cho chính họ khi cho rằng việc trộn lẫn các loại vaccine có thể tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn.
Lợi ích tiềm năng của việc tiêm trộn
Việc kết hợp hai loại vaccine cùng dựa trên công nghệ sản xuất mRNA - như vaccine Moderna và Pfizer - không có khả năng mang lại lợi ích hơn so với việc tiêm hai liều cùng hãng.
Nhưng việc tiêm trộn các loại vaccine sử dụng công nghệ khác nhau thì có thể. Các nền tảng vaccine khác nhau kích hoạt hệ thống miễn dịch theo những cách khác nhau và một số nhà khoa học cho rằng việc trộn có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch kích thích lẫn nhau ở mức độ hạt.
Trong số các kết hợp loại vaccine được thử nghiệm trong nghiên cứu Com-Cov của Đại học Oxford, liệu trình hai liều vaccine Pfizer tạo ra mức kháng thể cao nhất, có thể chống lại virus trực tiếp. Tuy nhiên, những người được tiêm Astra sau đó là tiêm Pfizer có mức tế bào T mạnh nhất, kích thích sản xuất kháng thể và giúp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus.
Các phát hiện được công bố vào tháng 5 từ một thử nghiệm nhỏ ở Đức cho thấy việc trộn các mũi tiêm Astra và Pfizer có thể kích hoạt sản xuất các kháng thể trung hòa, ngăn chặn việc nhiễm bệnh, ở mức cao hơn gần 4 lần so với liệu trình hai mũi Pfizer.
Cũng vào tháng 5, một nghiên cứu của Tây Ban Nha cho thấy tiêm Pfizer sau mũi một là Astra làm các kháng thể trung hòa tăng gấp 7 lần so với hai liều Astra.
Tuy nhiên, các thử nghiệm trên vẫn chưa xác định được sự kết hợp nào tạo ra phản ứng miễn dịch tồn tại lâu nhất và mang lại sự bảo vệ tốt nhất chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 gây ra Covid-19.
Trước đây thế giới từng tiêm trộn vaccine?
Đúng. Kể từ năm 2019, hơn 200.000 người ở Rwanda đã được chủng ngừa Ebola bằng cách sử dụng kết hợp hai mũi tiêm sản xuất từ hai công nghệ khác nhau và được cơ quan quản lý cho phép từ hãng Johnson & Johnson và Bavarian Nordic A/S. Sự pha trộn vaccine cũng từng được thử nghiệm trước đây trong các thử nghiệm lâm sàng vaccine chống lại các bệnh khác bao gồm cả HIV và viêm gan.
Độ an toàn và tác dụng phụ của tiêm trộn
Một số bằng chứng cho thấy việc trộn lẫn các loại vaccine có thể gây ra các tác dụng phụ tồi tệ hơn. Theo dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu Com-Cov, 30% đến 40% những người được tiêm chủng hỗn hợp báo cáo bị sốt sau khi tiêm liều thứ hai, so với 10% đến 20% những người tiêm hai liều vaccine giống nhau.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cơn sốt không kéo dài và không có mối lo ngại nào khác về tính an toàn. Nghiên cứu của Tây Ban Nha chỉ phát hiện ra những tác dụng phụ nhẹ, tương tự như những tác dụng phụ thấy khi tiêm vaccine theo đúng tiêu chuẩn.
Tiêm trộn vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch như thế nào?
Ở những quốc gia khan hiếm nguồn cung vaccine, việc tiêm trộn vaccine một cách an toàn và hiệu quả có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt. Giải phóng khỏi sự cần thiết phải tiêm hai liều cùng loại sẽ giúp các quốc gia linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn vaccine có sẵn nhất.
Hơn nữa, nếu giới nghiên cứu có thể xác định chính xác sự kết hợp của các loại vaccine sẽ tăng cường miễn dịch lâu nhất và có hiệu quả nhất chống lại các biến thể, điều này có thể giúp bảo vệ người dân chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả và đáng tin cậy hơn.
Khi nhiều chính phủ đang đặt hàng nguồn cung cấp vaccine cho các mũi tiêm nhắc lại trong tương lai, điều quan trọng là phải biết công thức nào có thể tối đa hóa khả năng bảo vệ, đặc biệt là phụ thuộc vào loại vaccine mà một người đã được tiêm trước đó.
Cuối cùng, khi các công ty dược phẩm vẫn đang nỗ lực sản xuất các phiên bản vaccine mới hiệu quả hơn để chống lại các biến thể SARS-CoV-2, việc chứng minh một người có thể tiêm mũi thứ ba vaccine khác với công nghệ của những mũi vaccine trước đó một cách an toàn có thể giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
Theo thông tin trên trang web của Fraser Health, Cơ quan y tế tỉnh British Columbia (Canada), vaccine dùng công nghệ mRNA là Pfizer và Moderna có thể thay thế cho nhau một cách hiệu quả và rất an toàn khi tiêm trộn. Nếu bạn đã tiêm Pfizer hoặc Moderna cho liều đầu tiên, thì việc tiêm vaccine cùng công nghệ mRNA cho liều thứ hai là an toàn và hiệu quả.
Cả Pfizer và Moderna đều có hiệu quả khoảng 95% trong việc bảo vệ khỏi bệnh nặng và nhập viện nếu bạn mắc Covid-19.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra đối với cả hai loại vaccine này cũng rất giống nhau, bao gồm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt và buồn nôn. Đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể bạn đang được bảo vệ. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn, nhưng chúng sẽ biến mất sau 2 đến 3 ngày. Một số người không gặp tác dụng phụ.
Vaccine hãng Pfizer đã được chấp thuận dùng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Hiện tại, Moderna được phép dùng cho người từ 18 tuổi trở lên, tuy nhiên, dự kiến Moderna cũng sẽ sớm được chấp thuận cho người từ 12 tuổi.