Ari Septian Pratama, 21 tuổi, đến từ thành phố Palembang ở tỉnh Nam Sumatra đã dùng tên giả là “Bác sĩ Julian Saputra”, sắm trang phục cảnh sát được thiết kế riêng, súng và huy hiệu ngành nhằm đánh lừa các cô gái trong gần một tháng trước khi hắn bị bắt. Thậm chí tên này còn phao tin mình là con trai của cảnh sát trưởng khu vực Đông Nam Sulawesi và bản thân là một bác sĩ pháp y làm trong ngành cảnh sát.
Thật đáng ngạc nhiên, mánh khóe lừa đảo của Ari có hiệu quả khi tên này khai nhận hắn đã thuyết phục thành công 10 phụ nữ đi chơi với mình. Trong số đó có cả các công chức, y tá, bác sĩ và thậm chí là cả nữ cảnh sát. Ari thuê những chiếc xe đắt tiền và nói muốn cưới họ để thuyết phục các cô gái ngủ với mình.
“Tôi đã hứa với những người phụ nữ mà tôi hẹn hò rằng sẽ cầu hôn họ. Thành thật mà nói tôi không nhận tiền từ những cô gái này nhưng đã ngủ với hầu hết bọn họ. Hắn còn đã đính hôn với một số người”, Ari thú nhận.
Kẻ lừa đảo phủ nhận việc dùng tên giả để lừa tiền nhưng ít nhất hai nạn nhân của hắn đã cáo buộc tên này tống tiền họ qua các máy ATM.
Trước sự có mặt của báo giới tại trụ sở cảnh sát khu vực Nam Sumatra ở Palembang, Ari khai rằng, hắn giả làm cảnh sát và lừa các cô gái sau khi nhận lời thách thức của một người trên ứng dụng livestream phổ biến Big Live. Người này nói sẽ chi cho Ari 345 USD để sắm đồng phục cùng các đạo cụ cần thiết nhằm mạo danh cảnh sát.
Ari bị bắt hồi đầu tuần này tại một bệnh viện ở Palembang sau khi một trong những cô gái mà anh ta hẹn hò nghi ngờ và hỏi một cảnh sát địa phương rằng liệu thực sự có một người là Julian Saputra làm việc ở đó không. Sau khi nghe câu chuyện của cô này, cảnh sát lập tức tìm kiếm và bắt giữ bác sĩ pháp y giả mạo. Cảnh sát không mất nhiều thời gian để tiếp cận Ari. Tại thời điểm bị bắt, tên này còn đang mặc bộ đồng phục giả. Nếu bị kết tội mạo danh cảnh sát và tống tiền, Ari có nguy cơ phải ngồi tù.