Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

iPod đã bị khai tử rồi, giờ đã đến lúc tạm biệt iTunes?

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Apple vừa cho “rút ống thở” thiết bị nghe nhạc nổi tiếng một thời của mình. Và đây có lẽ cũng là một cơ hội tốt để tranh thủ khai tử luôn cả iTunes.

Apple cuối cùng cũng đã phải cho iPod được chết một cái chết nhẹ nhàng.

iPod Nano và iPod Shuffle cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết của mình, nối gót chiếc iPod Classic (2001-2014) để đi vào lịch sử của những loại đồ công nghệ cũ. Chiếc iPod Touch may mắn thay vẫn nằm trong chuỗi sản xuất của Apple. (Và cái tên đó dường như vẫn luôn là một sự nói quá—thực ra nó chỉ là một chiếc iPhone chỉ dùng Wi-Fi, hay là một chiếc iPad 4 inch vậy.)

iTunes đã từng rất hữu dụng, nhưng cái gì cũng có thời của nó.

Sự xuất hiện của chiếc iPod trong “Baby Driver” cũng không đũ để níu giữ lấy trình nghe nhạc của Apple. Sau khi đã đi qua cột mốc kỷ niệm 10 năm của mình, chiếc iPhone cuối cùng cũng đã giáng đòn chí mạng cho dòng máy iPod. Và cũng đừng tỏ ra bất ngờ nếu chiếc Apple Watch 3 sắp tới đây cũng sẽ có cả những chức năng nghe nhạc tiện lợi nhất—lúc đó Tim Cook sẽ đứng trên sân khấu, và màn hình chiếu sẽ hiện dòng chữ “Apple Watch + AirPods” và đó sẽ là giải pháp hoàn hảo để đi ra ngoài đường mà không cần phải động tay đến điện thoại.

Nhưng trong khi chúng ta vẫy tay chào để tiễn chiếc iPod lên thiên đàng công nghệ gặp Steve Jobs, thì có lẽ đây cũng là cơ hội tốt để gửi luôn cả iTunes đi cùng.

Đã từng có một thời iTunes làm bá chủ

Rất nhiều người trẻ bây giờ còn quá nhỏ tuổi để nhớ được thuở ban đầu của iTunes. Vậy thì đây sẽ là một câu chuyện kể về thời đại của những chiếc đĩa quay và những màn hình CRT dành cho họ. Ứng dụng không thể thiếu (và nhất là miễn phí!) cho chiếc máy Mac hay PC của bạn được sinh ra vào năm 2001 chỉ đơn giản với tư cách là một trình quản lý nhạc. “Rip. Mix. Burn.” Apple đã tự đắc như thế trước cả một ngành công nghiệp âm nhạc đồ sộ.

Phải rồi, hỡi các bạn trẻ ạ: Trước khi có chiếc iPod, thì tất cả mọi thứ đều phải được ghi ra đĩa CD. Nhưng một khi chiếc iPod đã ra đời vào cuối năm đó, iTunes đã trở thành “ông hoàng phần mềm quản lý iPod.” Bạn sẽ ghép các danh sách nhạc ưa thích của mình, sắp xếp các bài hát, và tải chúng vào hoặc sao ra khỏi chiếc iPod của mình thông qua dây cắm USB—với mức dung lượng lúc bấy giờ chỉ có nhiều nhất là 5Gb.

Khi chiếc iPhone ra đời vào năm 2007, iTunes cũng đóng góp một vai trò tương tự. Lúc đó bạn bắt buộc phải sử dụng iTunes để kích hoạt chiếc điện thoại của mình, bởi khi đó quy trình cài đặt tại nhà với một chiếc máy tính đang chạy iTunes là một phần tối quan trọng.

iTunes là ứng dụng quan trọng để chép nhạc vào điện thoại.

Trong những năm sau đó, mọi thứ đã dần dần thay đổi. Sự xuất hiện của App Store vào năm 2008 cuối cùng cũng đã giúp iPhone mở ra cách cửa đến với đủ các loại dịch vụ bên thứ ba khác như Pandora, Rdio, và Rhapsody—và sớm muộn cũng đến những người khổng lồ hiện nay như Spotify. Apple đồng thời cũng cho ra đời dịch vụ Apple Music vào năm 2015. Dịch vụ này, cũng với những đối thủ khác như Google Play Music và Amazon Music, đã biến các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến này được song hành cùng với các album sử dụng điện toán đám mây. (Đúng vậy đấy, chúng ta đã nghĩ rằng việc dịch chuyển từ ổ cứng vật lý lên đám mây là không thể, nhưng cuối cùng cũng đã làm được—giống như với Amazon—thì có nghĩa rằng chúng ta cũng sẽ làm được điều tương tự với iTunes.)

Nhưng quan trọng hơn cả, đó là kể từ khi iOS 5 ra đời vào năm 2011, thì iTunes đã không còn cần thiết để kích hoạt iPhone nữa. Không có máy tính cũng chẳng vấn đề gì và lúc đó, iPhone (và cả iPad) nữa đã thực sự trở thành một thiết bị độc lập. Và cuối cùng, dịch vụ backup của iCloud đã đặt dấu chấm hết: Bạn còn chẳng cần iTunes để backup dữ liệu cho thiết bị của mình nữa (mà cái bạn cần là thêm tiền để mua thêm dung lượng trên mây, bởi dung lượng 5Gb là không bao giờ đủ.)

Trong khi đó thì, iTunes đã trở thành một trong số những ví dụ điển hình trong lịch sử của các phần mềm dị hợp. Bây giờ hãy thử nhìn mà xem, có một chương trình sẵn sàng làm tất cả các thứ này:

- Âm nhạc

- Phim ảnh

- Chương trình TV

- Podcast (chương trình nghe ngắn)

- iTunes U

- Sách/Sách nói

- Nhạc chuông

- Internet Radio

Về cơ bản, chương trình này cho phép quản lý các file media nội bộ và truy cập vào iTunes Store. Nhưng như thế vẫn là quá nhiều đối với một phần mềm đơn lẻ.

À, ngoài ra nó cũng giúp quản lý backup nội bộ cho các thiết bị iDevice nữa.

Một thời để sống, một ngày để chết

Nếu những thứ đó nghe có vẻ hơi nhiều, thì thực tế đúng là vậy. Và đó cũng là lý do mà trên một chiếc iPhone hay iPad, những ứng dụng này đã được chia lẻ ra nhiều (TV để xem video; Music để nghe nhạc; iTunes Store để mua các loại sản phẩm media từ Apple; Podcast; iBooks để đọc sách; và iTunes U dành cho các nội dung giáo dục) hoặc là đã được ghép vào cùng với các ứng dụng khác (bạn quản lý nhạc chuông, ứng dụng và backup trong phần Cài đặt).

Để nhắc lại một lời thỉnh cầu đã được đặt ra bởi rất nhiều người trong rất nhiều năm qua: Tại sao lại không làm các phiên bản MacOS cho các ứng dụng đó? Ghép iTunes Match vào Apple Music. Hay là cho thêm một app nữa vào danh sách đó—ví dụ như “iDevice Maintenance” (bảo trì thiết bị iDevice) để quản lý các loại backup và các tác vụ sửa lỗi của iTunes mà thỉnh thoảng lắm người ta mới cần dùng đến. Việc này sẽ giúp tạo ra một trải nghiệm trực quan hơn cho mỗi ứng dụng đó, và cũng là một thứ giúp đồng bộ chất lượng trải nghiệm giữa Mac và iOS, một xu thế mà Apple đã và đang theo đuổi trong những năm gần đây.

Và đối với những ai cho đến bây giờ vẫn dùng iTunes hàng ngày, thì xin đừng lo. iTunes sẽ không “biến mất.” Nó vẫn sẽ có mặt trên các máy Mac và Windows. Và quả thực là Apple đang thương thảo để được đưa iTunes lên Windows Store.

iTunes hoàn toàn có thể đi theo MS Paint và trở thành một ứng dụng “ẩn dật.” Vẫn có thể tải về được đối với những ai muốn đồng bộ với iPod, nghe nhạc hay xem video trên máy bàn, backup iPad hay là … quản lý các bộ sưu tập file âm thanh? Gì cũng được. Nhưng cũng đừng mong là từ giờ nó sẽ có thêm chức năng gì mới cả. Nó sẽ được giữ nguyên trạng thái này, không còn được bảo trì hay cập nhật nữa (ngoài những bản vá lỗi bảo mật quan trọng).

Mà thực ra, một khi đã đến nước này thì có lẽ chúng ta cũng nên cho khai tử hoàn toàn thương hiệu iTunes luôn cho gọn. Apple Music đã trở thành một thương hiệu của riêng mình, và việc mua phim hay các chương trình TV thông qua “iTunes” dường như đã trở thành một điều gì đó thật kỳ quặc. Một cái tên mới cho nó có thể là Apple Store? Hay gì cũng được.

Bởi cuối cùng, thì chiếc iPod đã phải ra đi. Và giờ đây khi chúng ta đã đặt chân sang thập kỷ thứ hai của chiếc iPhone, có lẽ cũng đã đến thời điểm hoàn hảo để đưa iTunes đi vào dĩ vãng. Mãi mãi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vén màn sự thật 'vũ khí bí mật' của Taylor Swift