Quyết định của IMF đưa Nhân dân tệ đứng cạnh 4 loại tiền khác gồm USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật, vào “rổ tiền tệ chính” của quỹ. Theo New York Times, động thái của IMF sẽ mở rộng hoạt động của đồng Nhân tệ trong thương mại và tài chính, đồng thời đảm bảo Trung Quốc là cường quốc kinh tế toàn cầu.
“Quyết định này là sự công nhận về tiến bộ mà chính quyền Trung Quốc đạt được trong những năm qua khi nước này cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ”, Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde nói.
Theo bà Lagarde, Trung Quốc tiếp tục thực hiện sâu rộng những nỗ lực đó sẽ khiến hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế mạnh mẽ hơn, hỗ trợ sự tăng trưởng và ổn định của kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Hồi tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói, vị thế mới của đồng Nhân dân tệ sẽ “cải thiện hệ thống tiền tệ quốc tế và bảo đảm sự ổn định của tài chính toàn cầu”.
Để đưa ra quyết định trên, IMF đã phải cân nhắc trong nhiều năm. Tổ chức này cũng nghi ngờ về sự thiếu ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, theo giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, việc đưa nhân dân tệ thành đồng tiền giao dịch quốc tế là “sự thể hiện rõ ràng cho các cải cách” đang diễn ra ở Trung Quốc.
Ngược lại, để đáp ứng các yêu cầu của IMF, Trung Quốc buộc phải từ bỏ một số quyền kiểm soát chặt chẽ đối với hệ thống tiền tệ của nước này, đỉnh điểm là sự mất giá đột ngột của đồng nhân dân tệ hồi tháng 8, làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Quyết định của IMF cũng cho thấy sự suy yếu của châu Âu. Đồng Nhân dân tệ đang thay thế vai trò của đồng Euro trong quyền rút vốn đặc biệt. USD vẫn chiếm ưu thế tài chính và thương mại, trong khi Nhân dân tệ nhanh chóng vượt trên đồng tiền chung châu Âu.
Quyết định sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 9/2016. Nhân dân tệ sẽ trở thành một trong những đồng tiền được sử dụng trong việc giải ngân và thanh toán gói cứu trợ quốc tế của IMF, như thỏa thuận về nợ công của Hy Lạp.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quyết định mà IMF đưa ra ngày 1/12.
Eswar Prasad, cựu quan chức của IMF chuyên phụ trách về vấn đề Trung Quốc, lo ngại kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là đồng Nhân dân tệ sẽ “làm xói mòn mà không cạnh tranh nghiêm túc với USD - vốn là đồng tiền dự trữ toàn cầu chiếm ưu thế”.
Sự thay đổi cũng có thể tạo ra những mối quan tâm mới về địa chính trị. Khi Nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền chính của thế giới, nó sẽ giảm khả năng của phương Tây khi áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính đối với các nước bị cáo buộc vi phạm nhân quyền như Sudan và Triều Tiên. Những nước này có thể tăng cường thực hiện các giao dịch bằng Nhân dân tệ. Trung Quốc vốn là một đối tác tài chính thân cận của Sudan và Triều Tiên.
“Khi đồng Nhân dân tệ phát triển, các nước sẽ có thêm nhiều lựa chọn về nơi đặt ngân hàng và cách thức phá vỡ các lệnh trừng phạt”, Christopher Brummer, giáo sư luật chuyên về tiền tệ tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định.