Theo báo USA Today, Farook, 28 tuổi, sinh ra tại Illinois, cha mẹ là người gốc Pakistan. Farook biết Tashfeen Malik qua mạng Internet và đến Saudi Arabia để gặp cô rồi làm đám cưới khoảng hai năm trước. Farook và Malik có một ngôi nhà khang trang ở thị trấn Redlands, cách San Bernardino một quãng đường ngắn. Hai vợ chồng có một con gái sáu tháng tuổi.
Farook là nhân viên thanh tra y tế của Sở Y tế hạt San Bernardino. Một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Farook là kiểm tra chất lượng vệ sinh các nhà hàng, tiệm bánh, bể bơi… Lương khoảng 70.000 USD/năm.
Nhìn bề ngoài, đó là một cuộc sống yên bình theo đúng kiểu “giấc mơ Mỹ” của một cặp đôi gốc nhập cư.
Một số đồng nghiệp khác cho biết Farook là người theo đạo Hồi và rất sùng đạo. “Nhưng anh ta chưa từng bao giờ cho tôi ấn tượng rằng anh ta có thể là kẻ cực đoan hay đáng nghi ngờ” - Fox News dẫn lời đồng nghiệp Griselda Reisinger nói.
Trên mạng xã hội, Farook tự mô tả mình là người xuất thân trong một gia đình đạo Hồi “mang giá trị gia đình của cả phương Đông và phương Tây”.
Trước khi thực hiện cuộc thảm sát ở San Bernardino, Farook và Malik gửi cô con gái sáu tháng tuổi cho bà nội. Farook nói rằng hai vợ chồng phải đi khám bệnh.
Khi nghe tin về vụ thảm sát, mẹ của Farook còn lo lắng không biết hai vợ chồng có chuyện gì không. Sau đó bà bị sốc nặng khi một phóng viên gọi điện cho biết Farook là hung thủ giết chết 14 người. Anh rể của Farook là Farhan Khan cũng bàng hoàng: “Không hiểu sao cậu ta lại làm như vậy”.
Cục Điều tra liên bang MỸ (FBI) cho biết trước vụ xả súng, Farook hoàn toàn không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào hay có hành vi cực đoan nào.
Đến nay, các nhà điều tra vẫn chưa xác định được vụ thảm sát do Farook và Malik thực hiện có phải là hành vi khủng bố hay không.