Châu Âu đang là tâm điểm của dịch COVID-19 khi số người chết do nCoV vẫn tăng nhanh.
Bộ Y tế Italy cho biết cho tới 6h chiều 23/3 (giờ địa phương), tổng cộng 63.927 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 trên toàn nước này, tăng 602 ca so với ngày trước đó. Số ca tử vong được báo cáo ở nước này đã giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, sau khi vọt lên tới 793 ca một ngày vào hôm 21/3 kể từ khi dịch bùng phát. Cho tới nay, ít nhất 7.432 người đã khỏi bệnh và 6.077 người tử vong vì COVID-19 ở Italy.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, ghi nhận 35.136 ca nhiễm, 2.311 người chết, tăng 6.368 người nhiễm và 539 người chết so với một ngày trước đó.
Đức hiện ghi nhận số người nhiễm là 29.056 và 123 ca tử vong.
Tại Anh, số người chết vì COVID-19, tăng 54 người, nâng tổng số trường hợp tử vong ở nước này lên 335, 6.650 trường hợp nhiễm bệnh. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu người dân cả nước hãy ở nhà.
Tại Mỹ, số ca mắc virus đã vượt qua con số 35.000, với 495 ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.
Cơ quan Y tế Ireland báo cáo thêm hai trường hợp tử vong liên quan đến virus corona, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 6 người. Thêm 219 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 1.125.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, số người chết đã tăng từ 7 lên 37, trong khi số ca dương tính với virus corona tăng thêm 93 người lên 1.529, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết.
Iran, vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, ghi nhận 23.049 ca nhiễm và 1.812 ca tử vong vì COVID-19.
Gần 16.500 người đã chết vì COVID-19 trên toàn cầu. 101.608 trong số 378.741 người được chẩn đoán mắc bệnh trên toàn thế giới đã hồi phục.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 23/3 cảnh báo “đại dịch đang tăng tốc” khi trong 67 ngày, số ca nhiễm toàn cầu đã đạt mức 100.000, 11 ngày lên tới 200.000 và chỉ cần 4 ngày để lên tới 300.000.