Video: Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc vượt đỉnh đại hồng thủy 1998, 1 tỉnh vỡ 14 đê ban bố tình trạng thời chiến
Theo Thông tấn xã Trung Quốc đưa tin ngày 12/7, mực nước ở hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây) - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc nằm dọc sông Dương Tử - đã vượt quá mức báo động của trận đại hồng thủy năm 1998. Đây là trận lụt tồi tệ trong lịch sử Trung Quốc, khiến 4.150 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế lên đến 160 tỷ nhân dân tệ.
Vào lúc 0h sáng 12/7, mực nước tại một trạm thủy văn ở hồ đo được là 22,53m, vượt qua mức lũ năm 1998 là 22,52m. Tuy nhiên, đây chưa phải là đỉnh lũ mà hồ nước ngọt này ghi nhận vì tới 7h sáng 12/7, trạm thủy văn đã đo được mực nước lên tới 22,74m và vẫn không ngừng tăng lên.
Theo chính quyền địa phương, lũ lụt nghiêm trọng trong khu vực dự báo sẽ tràn vào hồ.
Một quan chức địa phương cho biết: "Từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 6, mực nước ở hồ Bà Dương thấp hơn 2,5m so với cùng kỳ và mực nước bắt đầu tăng nhanh vào cuối tháng 6. Sau đó, mực nước ở hồ Bà Dương đã tăng hơn 0,4m trong 8 ngày liên tiếp và mức tăng lớn nhất trong 1 ngày là 0,65m".
Theo thống kê, thảm họa lũ lụt bắt đầu vào ngày 6/7 đã khiến 5.213 triệu người ở tỉnh Giang Tây bị ảnh hưởng, trong đó có 432.000 người phải di dời khẩn cấp, 167.000 người cần phải hỗ trợ sinh hoạt khẩn cấp.
Ngoài ra, khoảng 455.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó có 75.000 ha hoa màu không được thu hoạch, 998 ngôi nhà bị phá hủy, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp do lũ lụt gây ra là 6,49 tỉ nhân dân tệ.
Trước đó, vào ngày 11/7, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cũng đưa tin, 14 đê trên địa bàn huyện Bà Dương đã xuất hiện tình trạng vỡ đê, trong đó có 2 đê lớn khiến tình trạng lũ lụt hết sức nghiêm trọng.
Trước tình hình này, tỉnh Giang Tây đã ban bố tình trạng thời chiến, nâng mức ứng phó lũ lụt và cứu trợ thảm họa lên mức cao nhất (màu đỏ trong thang cảnh báo 4 cấp). Bên cạnh đó, chính quyền cũng cảnh báo về các thảm họa như vỡ đập hoặc lũ lụt bất thường tại một số con sông.
Hiện tại, chính quyền địa phương đang huy động sức người để gia cố các đê bao, các cửa thoát nước để ngăn chặn tình huống xấu nhất.