Khi bị tiểu đường cấp độ 1 và 2, người bệnh sẽ phải thường xuyên kiểm tra chỉ số đường trong máu của mình. Tuy nhiên, công đoạn này sẽ tốn rất nhiều thời gian và có thể làm tổn thương tới các đầu ngón tay. Để khắc phục hạn chế này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard & MIT, Mỹ đã sử dụng một loại mực cảm biến sinh học có khả năng đổi màu theo hàm lượng đường trong máu. Chính vì thế, chỉ cần có một hình xăm bằng loại mực chuyên dụng này, người ta có thể theo dõi được lượng đường trong máu một cách dễ dàng.
Mực xăm cảm ứng sinh học sẽ tự đổi màu tùy theo hàm lượng các chất có trong máu.
Với tên gọi cảm ứng sinh học, loại mực này sẽ có khả năng đo độ pH, natri cũng như đường gluco trong máu. Nếu hàm lượng đường gluco quá nhiều, mực sẽ chuyển sang màu nâu. Nếu nhiều natri, mực lại chuyển sang màu xanh lá. Khi mực chuyển sang màu tím và hồng, điều đó có nghĩa chỉ số pH đang thay đổi.
Về cơ bản, mực cảm ứng sinh học không hòa tan vào máu của người bệnh mà chỉ phân tích bạch huyết. Nước, ion và các chất tan nhỏ như muối, đường, mỡ, hoóc-môn và axit amino sẽ theo dịch bạch huyết để tới thành mao mạch.
Hiện tại, mực cảm ứng sinh học vẫn chỉ đang trong quá trình thử nghiệm trên da lợn và chưa được sản xuất đại trà. Nếu thành công, nó sẽ được xem là một bước tiến vượt bậc trong ngành y học.