Hôm nay (13/7) lại là một “thứ 6 ngày 13”, một ngày vốn được nhiều người cho là đen đủi, xui xẻo. Tuy nhiên, hôm nay lại có một sự kiện thiên văn đáng được chờ đón đó là nhật thực một phần và siêu trăng cùng xuất hiện trong một ngày.
Trên thực tế, nhật thực không phải là hiện tượng quá hiếm gặp. Trong năm 2018, hiện tượng này đã xảy ra tới 3 lần và 2 lần vào năm 2017. Thế nhưng, lạ là vì suốt 44 năm qua, cư dân trên toàn thế giới mới được chiêm ngưỡng nhật thực rơi đúng “thứ 6 ngày 13”, kể từ tháng 12/1974.
Chưa hết, hiện tượng siêu trăng cũng sẽ xuất hiện vào “thứ 6 ngày 13”. Theo National Geographic, do quỹ đạo Trái đất là một đường tròn không hoàn hảo nên vị trí xa nhất gọi là apogee và vị trí gần nhất gọi là perigee. Khi trăng non hoặc trăng tròn trùng với vị trí xa nhất, kích thước của mặt trăng quan sát được sẽ lớn hơn bình thường. Hiện tượng này được gọi là siêu trăng.
Vào ngày hôm nay, trăng non sẽ nằm ở vị trí gần nhất lúc 8h UTC (15h Việt Nam), ở khoảng cách khoảng 357.000 km với Trái đất. Phần tối của siêu trăng sẽ di chuyển qua mặt trời lúc 1h48 UTC (8h48 Việt Nam).
Tuy nhiên, chỉ có ở đại dương mới quan sát được phần này. Ở đất liền, hiện tượng hiếm này sẽ bắt đầu ở Nam Úc vào khoảng 1h chiều (giờ địa phương), quét theo hướng Đông khoảng 40 phút cho đến khi kết thúc.
Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, hiện tượng hơn 40 năm mới có một lần này chỉ có những người ở phía cực nam nước Úc, New Zealand, phía Nam Thái Bình Dương và rìa Nam Cực mới chiêm ngưỡng được. Hiện tượng siêu trăng và nhật thực xuất hiện vào “Thứ 6 ngày 13” sẽ không diễn ra thêm bất kỳ một lần nào nữa cho đến năm 2080.