Cái đói là thảm họa đang giết dần hàng triệu người dân Syria. “Những câu chuyện đau lòng về nạn đói tại Madaya chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ - CNN dẫn lời ông Philip Luther, đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) tại Trung Đông và Bắc Phi.
Trên khắp cả nước Syria, người dân đang chết dần vì đói. Cả chính quyền Syria và các nhóm vũ trang đều sử dụng cái đói như một vũ khí chiến tranh. Cả hai bên đều đùa giỡn với sinh mạng của hàng trăm nghìn, hàng triệu người vô tội”.
Bỏ đói thường dân thực tế là một chiến thuật tàn bạo vẫn thường được sử dụng trong chiến tranh. Nhưng chẳng phải đến giờ người dân Syria mới đói.
Quốc gia Trung Đông này đã chìm vào nội chiến từ tháng 3/2011. Hàng loạt thành phố lớn bị đánh bom trở thành những đống gạch vụn. Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng, hơn 4 triệu người bỏ nhà cửa đi di tản.
Phái uống nước bẩn để chống khát
Tháng 9/2013, Tổ chức Cứu trợ trẻ em công bố báo cáo với tựa đề “Cái đói ở một vùng chiến sự: Cuộc khủng hoảng đang leo thang đằng sau xung đột Syria”.
Báo cáo mở đầu với thông điệp khắc khoải của em bé Ali, 13 tuổi. “Ở Syria, chúng cháu chẳng còn thực phẩm và không đủ nước sạch. Chúng cháu chỉ có mỗi đậu lăng. Vì vậy chúng cháu ăn đậu lăng hằng ngày” - Ali viết.
Ước tính trước năm 2011 khoảng 8 triệu người Syria sống nhờ nghề nông. Theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em, tính đến năm 2013 chiến tranh đã gây thiệt hại nông nghiệp lên đến 2 tỷ USD. Thực phẩm ngày càng cạn kiệt, giá cả tăng vọt lên hàng trăm phần trăm.
“Trong bốn ngày sống dưới hầm tránh bom đạn, con trai tôi chỉ ăn một mẩu bánh mì nhỏ và hai ly nước. Nhưng rồi mọi thứ cũng hết sạch. Tình cảnh vô cùng tuyệt vọng” - báo cáo dẫn lời bà Jamila, một người sống ở khu vực biên giới Syria, kể.
Kể cả ở những nơi có thực phẩm, người dân Syria cũng phải đối mặt với sự lựa chọn cực kỳ khó khăn: chịu đói hoặc chấp nhận nguy hiểm tính mạng khi đi tìm đồ ăn. Đã có rất nhiều người thiệt mạng khi xếp hàng chờ xin bánh mì hoặc khi đi kiếm thực phẩm.
“Những vụ giội pháo diễn ra hằng ngày. Bạn chẳng biết lúc nào nó xảy ra. Đụng độ giữa các nhóm vũ trang cũng nổ ra thường xuyên. Đạn bắn tứ tung khắp nơi. Đi kiếm thực phẩm là nhiệm vụ bất khả thi” - nạn nhân Amjab ở Deir ez Zor than thở.
Nạn nhân Roula khi đã trốn cùng gia đình đến được biên giới kể lại khoảng thời gian khủng khiếp. “Trước chiến tranh chúng tôi sống thoải mái, là nông dân nên có đủ bánh mì, sữa, bột mì, sữa chua.. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, thành phố bị vây hãm, thực phẩm cạn sạch và trở nên vô cùng đắt đỏ. Chúng tôi cho bọn trẻ con ăn tất cả những gì có thể kiếm được, từ lá cây đến những quả hạt dại” - cô Roula mô tả.
“Tôi phải cho cả gia đình uống nước bẩn để chống khát. Nhưng lũ trẻ bị tiêu chảy và trở nên vô cùng yếu ớt. Khi đi di tản chúng tôi chẳng có gì trong tay. Tôi phải cho con ăn khoai tây sống nhặt được trên đường. Tôi không dám đốt lửa nấu nướng vì sợ bị dính đạn. Lũ trẻ khóc ròng rã khi phải ngủ với cái bụng rỗng. Lũ trẻ phải chịu đựng nhiều đau khổ nhất” - Roula khóc.
Ăn sạch chó mèo rồi ăn cỏ, dân đang chết dần vì đói
Năm 2014, Homs, thành phố lớn thứ ba ở Syria, trở thành biểu tượng của những đau khổ mà người dân Syria phải hứng chịu. Khi đó chính quyền Syria cản trở các tổ chức quốc tế đưa hàng cứu trợ đến Homs, nơi bị quân nổi dậy chiếm. Lực lượng nổi dậy bị cáo buộc chiếm hết thực phẩm của người dân. Vì bất cứ lý do nào thì cái đói cũng là nỗi ám ảnh đối với người dân Homs.
Tạp chí News Week dẫn lời anh Rami, một người dân sống ở khu phố cổ tại Homs, kể bất chấp nguy hiểm, khi quá đói anh vẫn phải mò ra đường tìm thức ăn. “Tôi chui vào những ngôi nhà bỏ hoang với hi vọng các gia đình đi di tản để quên thực phẩm ở đâu đó” - Rami kể. Nhưng hầu như ngày nào anh cũng chỉ có thể hái cỏ về ăn tạm.
“Chả có gì để ăn cả. Ăn cỏ thì chịu không nổi. Ở đây mọi người đang chết đói” - Rami đau đớn. Do không kiếm đâu ra thức ăn, người dân Homs cũng ăn sạch chó mèo trong thành phố. Nhưng nguồn thịt từ chó mèo rồi cũng cạn.
Ở nhiều nơi khác cũng vậy. Hồi tháng 2/2014, báo chí quốc tế cũng xôn xao với thông tin về việc trại tị nạn của 112.000 người Palestine ở Yarmouk, ngoại ô Damascus, bị bao vây, trở thành chiến trường khốc liệt giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy.
Cái đói trở nên quá sức chịu đựng, hàng nghìn trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng nặng. Sau đó Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) đưa được thực phẩm vào Yarmouk. Bức ảnh chụp cảnh hàng nghìn người xếp hàng dài nhiều kilômet để chờ nhận thực phẩm cứu trợ được truyền thông quốc tế đăng tải ồ ạt. Khi đó, báo Daily Mail mô tả bức ảnh này là: “Bức tranh thảm khốc về sự khổ đau”.
Ngay từ năm 2014, các tổ chức quốc tế đã khẳng định 10 triệu người Syria phải đối mặt với nạn đói. Trên thực tế không phải là ở các thành phố, thị trấn tại Syria không có thực phẩm. Vấn đề là giá thực phẩm cực kỳ đắt đỏ, do đó nhiều gia đình không có tiền mua.
Ví dụ ở thủ đô Damascus giá một ký bột mì chỉ khoảng 79 cent, nhưng ở thành phố Madaya lên đến 120 USD. Sữa tại Damascus giá 1,06 USD/lít, ở Madaya là 300 USD/lít. Tương tự, gạo ở Damascus là 1,32 USD/kg, ở Madaya là 120 USD/kg.
Bỏ đói người dân - chiến thuật tàn bạo
Ở thời điểm hiện tại, Madaya, nơi bị quân đội Syria bao vây, không phải là thành phố duy nhất bị cô lập, rơi vào cảnh thiếu thực phẩm nghiêm trọng.
Thành phố Zabadani gần Madaya vẫn còn 500 người bị mắc kẹt và đang sống lay lắt. Ước tính 177.000 người ở các thành phố phía đông Damascus bị quân chính phủ vây hãm. Nhưng không chỉ có quân đội Syria vây hãm các thành phố.
Ở miền bắc, Foah và Kafarya bị quân nổi dậy cô lập. Một trong số các lực lượng đang bao vây hai thành phố này là nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria. Ước tính 12.000 người bị mắc kẹt trong hai thành phố này. Xa nữa là hai thị trấn Nubl và Al-Zaharaa bị quân nổi dậy cô lập từ năm 2012. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bao vây thành phố Deir ez Zor ở phía đông khiến 200.000 người bị mắc kẹt tại đây.
“Chưa bao giờ chiến thuật bỏ đói lại được sử dụng có hệ thống và tàn bạo đến vậy ở khu vực Trung Đông” - News Week dẫn lời giáo sư nghiên cứu Trung Đông Jean-Pierre Filiu thuộc Trường Quan hệ quốc tế Paris (Pháp) phẫn nộ nhận định.
Cả phe quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy đều dùng chiêu thức độc địa này để ép buộc các thành phố và thị trấn đối kháng phải đầu hàng.
Trên CNN, nhà báo Frida Ghitis nhận định trước đây dư luận quốc tế chủ yếu biết đến chiến tranh Syria với những hình ảnh giết chóc tàn bạo. Nhưng cái đói cũng là tội ác tàn bạo không kém.
“Khi nói đến Syria, chúng ta hãy nhớ rằng đó không phải là chủ đề về chiến thuật chiến tranh, về chính trị hay tư tưởng. Đó là vấn đề về con người. Sự khổ đau mà người dân Syria phải chịu đựng đã đổ dầu vào đám lửa khiến xung đột leo thang” - nhà báo Ghitis nhấn mạnh.