Theo RT, trong vài năm gần đây, một số nước đã bắt đầu mang vàng từ nước ngoài về hoặc tích cực mua kim loại quý này.
Năm ngoái, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) đã mang 674 tấn vàng dự trữ vốn cất giữ tại Paris và New York kể từ thời Chiến tranh Lạnh, về nước. Đầu năm nay, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, năm 2017, nước này đã đưa 220 tấn vàng cất giữ ở nước ngoài hồi hương, trong số này có 28,7 tấn gửi ở Mỹ. Cùng thời điểm, Ngân hàng quốc gia Hungary cũng tuyên bố kế hoạch đem 3 tấn vàng dự trữ đang cất ở London, Anh về nước.
Nga, có lượng vàng dự trữ gần 2.000 tấn, cũng là một trong những nước mua nhiều vàng nhất trong 6 năm qua. Năm 2017, Ngân hàng trung ương Nga mua 224 tấn vàng thỏi và trong 6 tháng đầu năm nay, nước này mua thêm 106 tấn. Ngân hàng Nga lý giải, chiến lược trên là nhằm đa dạng hoá dự trữ quốc gia, không chỉ dựa vào đô la Mỹ.
Hiện, 2/3 số lượng vàng của Nga được cất trong kho của Ngân hàng trung ương ở Moscow. Phần còn lại được cất ở St.Petersburg và thành phố Yekaterinburg. Vàng của Nga được cất giữ dưới dạng thỏi, nặng từ 100gram tới 14 kg.
Sự ngưỡng mộ vàng của Nga có từ thời Nga hoàng. Năm 1894, dự trữ vàng của Nga lên tới 1.400 tấn và Nga là nước có lượng vàng dự trữ lớn nhất thế giới cho tới năm 1914.
Lượng vàng dự trữ của Nga giảm mạnh vào Thế chiến I và Cuộc cách mạng Nga do phải trả nợ cho các ngân hàng ngoại quốc. Trong thời Stalin, lượng vàng thỏi dự trữ của Nga tăng trở lại vì lãnh đạo Liên Xô tin rằng kim loại quý này là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Vàng dự trữ của Nga tăng lên 2.500 tấn vào thời kỳ này.