Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Hành trình tìm ra cheo cheo quý nghi đã tuyệt chủng 30 năm tại Việt Nam

Đức Hoàng (Dân Trí) Theo dõi Saostar trên google news

Các cá thể cheo cheo lưng bạc, động vật móng guốc mà các nhà khoa học thế giới cho rằng đã tuyệt chủng trong 30 năm qua, đã bất ngờ được phát hiện tại Việt Nam trong một cuộc tìm kiếm được tạp chí National Geographic mô tả là “quyết liệt” với nhiều khó khăn.

Một cá thể cheo cheo lưng bạc được chụp hình lại (Ảnh: SWNS)

Biến mất trong thế giới tự nhiên trong khoảng 30 năm, loài động vật móng guốc thuộc nhóm hươu chuột có tên là cheo cheo lưng bạc đã được phát hiện tại một khu rừng trũng khô ở miền nam Việt Nam. Lần cuối cùng mà giới khoa học ghi nhận về sự xuất hiện của con vật này là vào năm 1990, khi một thợ săn giết chết một cá thể cheo cheo lưng bạc và giao nộp lại nó cho các nhà khoa học.

“Đó là một giống loài đặc biệt và chúng tôi từ lâu đã hy vọng sẽ tìm được bằng chứng rằng chúng vẫn còn sống”, ông Andrew Tilker, chuyên gia sinh học về đời sống hoang dã ở khu vực Đông Nam Á thuộc tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu GWC, cho hay.

Loài cheo cheo lưng bạc có kích thước bằng một con thỏ lớn, với phần lông bạc ở phía sau lưng. Nhóm nhà khoa học thực hiện cuộc tìm kiếm, đã mô tả lại hành trình tìm ra loài động vật quý trong một bài nghiên cứu được đăng tải ngày 11/11 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution. Họ kỳ vọng rằng khám phá này sẽ giúp loài cheo cheo lưng bạc được bảo vệ tốt hơn, nhất là trước mối rủi ro của việc nhiều bẫy thú đang được đặt tại các khu rừng hoang dã.

Ngoài ra, National Geographic đánh giá rằng phương pháp tìm kiếm ra cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam cũng có thể áp dụng để tìm những loài động vật mất tích và tưởng đã tuyệt chủng khác.

Hành trình gian nan

Ông Tilker và các đồng nghiệp đã tới khu vực rừng khô ven biển ở vùng lân cận thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là nơi những manh mối đầu tiên về sự xuất hiện của cheo cheo được thu thập ở Việt Nam vào năm 1910.

Các thử nghiệm trước đó của nhóm nghiên cứu cho thấy camera đặt ở các khu rừng mưa nhiệt đới ở Việt Nam đều không thu được hình ảnh của cheo cheo lưng bạc, vì vậy, họ cho rằng con vật này thích nghi với môi trường sống rừng khô.

Địa điểm khi các nhà khoa học năm 1910 quan sát thấy cheo cheo lưng bạc không được mô tả chính xác, vì vậy, các nhà nghiên cứu của GWC đã đi tới các cộng đồng và gặp gỡ với các thợ săn địa phương, người dân bản xứ và chuyên gia về rừng để hỏi về cheo cheo lưng bạc. National Geographic cho biết Việt Nam có nhiều giống cheo cheo và một số giống vẫn khá phổ biến nhưng chúng thiếu phần lông bạc đằng sau.

Các nhà khoa học nói rằng việc săn bắt thú trái phép là vi phạm pháp tại Việt Nam, vì vậy, quá trình tiếp cận với các thợ săn để dò hỏi thông tin khá khó khăn. Các chuyên gia phải tốn nhiều thời gian để trò chuyện và lấy được lòng tin từ những người này, ông An Nguyen, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm của GWC, cho biết.

“Tuy nhiên, mọi người dường như ý thức được về hậu quả với động vật tự nhiên vì việc săn bắn và sử dụng nhiều bẫy thú trong 5-10 năm qua”, ông Nguyen nói.

(Ảnh: AFP)

Người dân địa phương cũng đưa ông Nguyen và các thành viên khác tới các khu vực rừng mà họ nói rằng có thể đã từng chứng kiến cheo cheo lông bạc xuất hiện. Hệ thống camera đã được lắp đặt từ tháng 11/2017 tới 7/2018 và chụp hàng nghìn bức ảnh. Trong số đó, họ đã ghi nhận được 280 lần cheo cheo xuất hiện trước camera, song chưa thể xác định chính xác tổng số lượng cá thể đang sống trong khu vực này.

Ngoài cheo cheo lưng bạc, các nhà khoa học cảnh báo rằng việc đặt bẫy thú đang đẩy một số động vật giống hươu tới bờ vực tuyệt chủng, bao gồm sao la hay con mang lớn. Các nhà nghiên cứu cảnh báo về tình trạng “rừng rỗng”, thuật ngữ ám chỉ rằng bẫy thú có thể bắt và giết chết tất cả các loài động vật hoang dã di chuyển trên mặt đất trong rừng.

Tìm kiếm và bảo tồn

Các nhà nghiên cứu đặt camera trong các khu rừng để tìm kiếm cheo cheo lưng bạc (Ảnh: GWC)

Cho dù đây mới là những phát hiện đầu tiên và có tính nhỏ lẻ về cheo cheo lưng bạc sau gần 30 năm mất tích, tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng loài vật này có tập tính đi tìm đồ ăn vào ban ngày và di chuyển rất thận trọng bằng đầu móng guốc.

Có 9 loại cheo cheo ở Nam và Đông Nam Á và một loài cheo cheo ở khu vực miền trung châu Phi.

Trong tương lai, các nhà khoa học đã lên kế hoạch đặt camera tại các khu vực rừng khô khác của Việt Nam. Họ kỳ vọng sẽ nghiên cứu ra một bản báo cáo đầy đủ đầu tiên về cheo cheo lưng bạc, để đưa ra dự đoán về số lượng cá thể còn sót lại và sự phân bố của chúng.

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa thể cung cấp được con số chính xác và tình trạng hiện tại của họ vẫn đang là “thiếu dữ liệu”. Theo ông Tilker, nếu giới khoa học xác định được số lượng đáng kể cheo cheo lưng bạc tại một số địa điểm, các biện pháp bảo vệ sẽ được thực hiện bao gồm việc giáo dục người dân địa phương và các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc chống săn bắn trái phép.

Ông Tilker cho rằng Việt Nam đang thực sự quan tâm tới vấn đề giảm thiểu hoạt động săn bắn trái phép, tuy nhiên, đây là một vấn đề thực sự không dễ để giải quyết triệt để.

Ông Hoang Minh Duc, người đứng đầu Viện Sinh thái học miền Nam (Việt Nam), cho rằng việc phát hiện cheo cheo lưng bạc mang lại hy vọng to lớn cho sự bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt với các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Ông cho rằng điều này sẽ thôi thúc Việt Nam đồng hành với các đối tác nước ngoài nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm các giống loài mất tích khác và có biện pháp bảo tồn các cá thế này.

Cheo cheo lưng bạc là loại động vật có vú đầu tiên được phát hiện trở lại trong chương trình của tổ chức GWC nhằm tìm kiếm các loại động vật mất tích trên thế giới. Sáng kiến này có mục tiêu tìm ra 1.200 loài động vật, thực vật đã không xuất hiện trong thời gian dài và thực hiện các biện pháp bảo tồn chúng nếu tìm ra.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đức Hoàng (Dân Trí)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Dự kiến bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT