Ngoài cái tên cá dương vật, những sinh vật có hình dáng nhạy cảm này còn được biết đến như thành viên của lớp giun thìa, thường cư trú trong hang dưới đáy biển.
Ngày 6/12, nhà sinh vật học Ivan Parr phát hiện chúng dạt vào bờ biển Drakes ở California với số lượng lên đến hàng nghìn con. Trong bài viết trên ấn phẩm khoa học Bay Nature, ông cũng cho biết đây là hiện tượng từng xuất hiện ở Pajaro Dunes, Moss Landing, vịnh Bodega và bến Princeton suốt nhiều năm qua.
Cá dương vật trưởng thành có chiều dài khoảng 25 cm, sống sót bằng cách ăn sinh vật phù du, vi khuẩn và các hạt nhỏ khác dưới đáy biển. Chúng “giăng lưới” bắt mồi nhờ chất nhờn mình tiết ra trong nước. Loài vật này thường xây hang hình chữ U để sinh sống. Nếu không gặp bất trắc, tuổi thọ của chúng có thể lên đến 25 năm.
Người Mỹ có thể ngạc nhiên khi trông thấy loài giun này, song ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, cá dương vật là món ăn cực kỳ được ưa chuộng. Dù ăn sống hay nấu chín, cá dương vật đều gây ấn tượng với vị mằn mặn, dai dai lạ miệng. Chúng thường được phục vụ kèm nước sốt làm từ dầu mè hoặc giấm.