Mới đây, một video về vụ tấn công kinh hoàng diễn ra ở Ấn Độ đã làm chấn động dư luận. Trong đoạn video, hai người đàn ông bị một đám đông dùng gậy đánh đập dã man vì có tin đồn họ bắt cóc… cháu mình.
Trong một lần đưa cháu trai bị ốm đến gặp bác sĩ ở thành phố Sambhal, tiểu bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), hai người cậu là anh em ruột của nhau đã không may bị một nhóm người lạ mặt buộc tội bắt cóc trẻ em và tấn công dã man. Trong đoạn video, băng đảng lạ mặt lôi hai người đàn ông xấu số xuống một cánh đồng rồi dùng gậy gộc và thanh sắt đánh đập liên tục.
Tuy cảnh sát đã đến hiện trường và ngăn cản vụ việc, nhưng một người đàn ông được báo là đã chết trên đường đưa đến bệnh viện, người còn lại bị thương nặng.
Sĩ quan cảnh sát cấp cao Yamuna Prasad cho biết, bốn nghi phạm đã bị bắt giữ để tiến hành điều tra: “Họ (hai nạn nhân) đang đưa cháu bị ốm đến bệnh viện ở Chandausi thì vụ việc xảy ra. Bốn thủ phạm cho đến nay đã bị bắt”.
Nguyên nhân bắt nguồn từ tin đồn rằng có nhiều kẻ bắt cóc trẻ em đang được thả ra ngoài, và theo đó là 100 vụ tấn công người đi đường tương tự đến từ các băng đảng lạ mặt chỉ trong vòng một tháng nay, theo trang Daily Mail.
Thông thường, những tin đồn sai lệch về bắt cóc trẻ em ở Ấn Độ được lan truyền trên ứng dụng WhatsApp. Điều này dẫn đến một số vụ tấn công người vô tội mà thậm chí án mạng đã xảy ra.
Chỉ trong tuần này, một vụ án tương tự đã khiến một người phụ nữ đưa cháu trai đi mua sắm ở thành phố Ghaziabad bị đánh đập bởi đám đông lạ mặt. Nguyên nhân là do người phụ nữ bị nghi bắt cóc trẻ em - người cháu mà cô đang đưa đi chơi.
Tháng 7 năm ngoái, một kỹ sư phần mềm đã bị đánh đến chết còn ba nạn nhân khác thì bị thương nặng vì có người đồn trên WhatsApp rằng họ bắt cóc một đứa trẻ.
Cho đến nay, 44 người đã bị bắt vì tham gia các cuộc tấn công hội đồng khác nhau ở bang Uttar Pradesh. Cảnh sát bang này cho biết, họ đang có những động thái nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công được thúc đẩy bởi những tin đồn sai lệch.
PV Ramasastry - sĩ quan cảnh sát cấp cao, nói với hãng tin ANI: “Trong vài ngày qua, nhiều người đã bị đánh đập vì những lời buộc tội bắt cóc trẻ em bởi các nhóm tập thể ở một số quận. Chúng tôi đã phân tích các cuộc tấn công trên và không có trường hợp nào là bắt cóc trẻ em. Những tin đồn kia đều là sai lệch, được lan truyền bởi các thành phần chống phá xã hội. Cho đến nay, 44 người đã bị bắt”.