Vào khoảng 2h00 sáng ngày 26/7 (theo giờ địa phương), một người đàn ông đã dùng búa đập vỡ cửa kính, đột nhập vào cơ sở dành cho người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en (cách Tokyo 40km về phía Tây Nam) rồi dùng dao đâm chém điên cuồng vào bất cứ người nào mà hắn nhìn thấy.
Vụ việc khiến 19 người thiệt mạng, trong đó, có 10 nạn nhân nữ và 9 nạn nhân nam. Các nạn nhân có độ tuổi từ 18 đến 70. Ngoài 19 người thiệt mạng còn có hàng chục người bị thương. Với con số thương vong quá lớn, vụ thảm sát này được đánh giá là đẫm máu nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ Thế Chiến thứ II.
Một tiếng sau khi gây án, thủ phạm đã tự tới đồn cảnh sát đầu thú, đem theo 1 con dao còn dính máu. Tại sở cảnh sát, tên này tự khai nhận “Tôi đã làm việc đó” với lí do “muốn loại bỏ hết những người khuyết tật trên thế giới này”.
Từng là nhân viên cũ tại trung tâm Tsukui Yamayuri-en
Nghi phạm được cảnh sát xác định là Satoshi Uematsu (26 tuổi), từng làm việc tại trung tâm y tế nơi xảy ra vụ cuồng sát từ năm 2012 nhưng đến tháng 2/2016 thì nghỉ việc. Theo đài truyền hình NTV Nhật Bản, Uematsu không tự nghỉ làm mà thực chất là bị đuổi việc nên tâm trạng của Uematsu khi đó rất buồn rầu.
Trước khi làm nhân viên trong cơ sở dành cho người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en, Uematsu từng được đào tạo để trở thành một giáo viên. Các đồng nghiệp của Uematsu cho biết anh ta là một người đẹp trai và rất yêu quý trẻ con.
Một người phụ nữ địa phương cũng chia sẻ Uematsu gây ấn tượng với mọi người bởi vẻ ngoài thân thiện, cởi mở và rất nhanh mồm miệng.
Bởi vậy, khi biết tin Uematsu có liên quan đến vụ thảm sát đẫm máu, hầu hết mọi người đều rất bàng hoàng.
Từng viết thư cảnh báo đến cơ quan quản lý địa phương
Cảnh sát tiết lộ vào tháng Hai vừa qua, Uematsu đã từng gửi một lá thư viết tay cho cơ quan lập pháp Nhật Bản, bày tỏ mong muốn một xã hội mà ở đó, những người khuyết tật được hưởng cái chết nhân đạo.
Cũng trong bức thư này, anh ta còn đe dọa rằng sẽ giết chết 470 người khuyết tật bằng cách đột nhập 2 cơ sở vào ban đêm. “Hành động sẽ được thực hiện nhanh lẹ, và hoàn toàn không gây hại tới các nhân viên. Sau khi quét sạch 2 cơ sở, tôi sẽ đầu thú”, Uematsu viết.
Trước khi vụ thảm sát xảy ra, một tài khoản Twitter được cho là của Uematsu cũng đã đăng tải dòng trạng thái “Vì một thế giới hòa bình, một Nhật Bản xinh đẹp”.
An ninh lỏng lẻo
CNN đưa tin Tsukui Yamayuri-en là nơi ở của 149 người tàn tật có độ tuổi từ thiếu niên tới 70 với 222 nhân viên chăm sóc và bảo vệ. Vậy nhưng, vào đêm xảy ra vụ thảm sát chỉ có 9 nhân viên làm việc, trong đó, chỉ có duy nhất 1 bảo vệ. Chính thông tin này đã khiến nhiều người cho rằng ban quản lý đã quá chủ quan trong công tác đảm bảo an ninh cũng như quá tự tin vào công nghệ.