Hầu như đêm nào Lisa Jaafar cũng đến khu phố đèn đỏ Geylang của Singapore và đứng chờ vài khách nam tới mua dịch vụ với giá 50 SGD (khoảng 37 USD) trong 30 phút. 5 năm trước, khi hoạt động mua bán dâm còn sôi động, cô có thể kiếm được 200 SGD trong khoảng 5 tiếng sau đó về nhà với hai con.
Nếu làm việc 5 ngày/tuần, Lisa có thể kiếm được 4.000 SGD mỗi tháng mà không phải nộp thuế. Nhưng giờ đây, khách ít hơn hẳn, dù không phải do nền kinh tế suy giảm. Nhiều dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp tình dục ở Singapore - quốc gia hợp pháp hóa mại dâm - cũng diễn ra sôi động, dù hầu hết hoạt động liên quan tới tình dục đều bị cấm, theo SCMP.
Sôi động hoạt động mua bán dâm và bảo kê
Vanessa Ho, giám đốc nhóm Project X hoạt động vì quyền lợi của gái mại dâm, cho hay : “Sở hữu một nhà thổ, ma cô, quảng cáo mại dâm trên mạng, lập đường dây, đều là phi pháp”. Gạ bán dâm trên đường phố công cộng cũng được cho là phi pháp ở đảo quốc Sư tử. Mại dâm là một nghề hợp pháp ở Singapore nếu các cô gái đáp ứng đầy đủ điều kiện, quy trình của chính phủ.
Tuy nhiên, điều đó không khiến các hoạt động như vậy chấm dứt. Những người hành nghề tự do như Lisa đứng đợi ngoài đường, quảng cáo dịch vụ trên mạng hoặc hoạt động dưới sự hỗ trợ của các nhóm bảo kê.
Sau khi tòa tháp Orchard được xây dựng ở trung tâm mua sắm sầm uất, các quán bar, vũ trường thu hút rất nhiều khách du lịch phương Tây và gái mại dâm. Tổ hợp giải trí này được gọi là “Bốn tầng mại dâm”.
Trang web về chủ đề giới tính Sammy Boy có nhiều mẩu quảng cáo dịch vụ mại dâm. Alicia, một cô gái Singapore gốc Hoa, 20 tuổi, được miêu tả là “sinh viên dễ thương và đáng yêu”. Cô nặng 45 kg, cao 1,62 m, có làn da trắng và giá “qua đêm” là 650 SGD, không gồm tiền phòng. Nếu phục vụ tận nhà, khách phải trả Alicia thêm 50 SGD. Nếu không vừa mắt, khách có thể từ chối gái mại dâm trong vòng 5 phút và trả khoản phí 50 SGD.
Nếu làm việc 5 ngày mỗi tuần, cô có thể kiếm được khoảng 13.000 SGD mỗi tháng. Theo Vanessa Ho, không có giá chung cho dịch vụ mại dâm ở Singapore, tùy thuộc vào nơi “gái bán hoa” môi giới. “Con số này có thể chênh lệch từ 10 tới 1.000 USD tùy từng dịch vụ”, bà Ho nói.
Scarlet, sinh viên 21 tuổi, người trở thành gái bao cách đây 3 năm, giải thích tính hợp pháp và thực tế của nghề mại dâm. “Nếu gái mại dâm hoạt động riêng lẻ, 100% số tiền thu được thuộc về cô ấy. Nếu cô ấy liên kết với nhóm bảo kê, họ sẽ thu 20-70% số tiền. Đối với gái bán hoa làm việc độc lập, số tiền kiếm được phụ thuộc vào quảng cáo”.
Cho phép nhà thổ hoạt động - ‘cú tát’ vào luật pháp
Dù Singapore không quá khắt khe với mại dâm, chính phủ tiến hành nhiều đợt truy quét. Hồi tháng 5, Roderic Chen Hao Ren bị phạt 2 năm tù và nộp 83.000 SGD vì điều hành một “nhà thổ ảo” trên mạng với mức giá là 450 - 600 SGD/giờ. Ren được cho là cầm tới 40% số tiền mà các cô gái kiếm được. Năm ngoái, Quek Choon Leong, 34 tuổi, chịu án tù 33 tháng vì quản lý 32 cô gái bán hoa. Hỗ trợ Quek là vợ của hắn và 10 nhân viên khác.
Nhắc tới một trong những lý do chính phủ Singapore tìm cách kiểm soát ở mức vừa phải các hoạt động mại dâm, SCMP dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ nước này tháng trước cho biết số lượng các cơ sở massage đã tăng 40% chỉ trong 3 năm từ 2013 đến 2016. Hoạt động mại dâm được cho là thường xuyên diễn ra mờ ám trong những cơ sở massage.
Chính phủ Singapore cũng đã ban hành Dự thảo Quản lý Massage, trong đó những người điều hành các cơ sở này có thể bị phạt tới 10.000 SGD và ngồi tù 2 năm nếu không có giấy phép.
Ngoài ra, để quản lý dịch vụ mại dâm, chính phủ Singapore quy hoạch khu vực chung cho hoạt động này. Quy trình cấp giấy phép cho nhà thổ do cảnh sát Singapore thực hiện và số lượng chính xác không được công khai.
Ho nói mục tiêu của chính phủ là kiểm soát số lượng nhà thổ trong ngưỡng quy định. “Cố gắng xóa bỏ hoạt động mờ ám này là vô ích”, bà nói và ước tính số lượng nhà thổ tại Singapore là khoảng 80-90.
Gái mại dâm ở nhà thổ cũng phải có giấy phép hoạt động của cảnh sát. Họ sẽ mang theo những tấm thẻ màu vàng in tên, tuổi và kết quả khám sức khỏe thường kỳ, trong đó kiểm tra HIV và các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo những người chỉ trích, cấp phép hoạt động cho các nhà thổ là vấn đề gây tranh cãi vì việc chúng hoạt động tại khu đèn đỏ chẳng khác gì đi ngược lại với luật pháp.
Họ cho rằng, việc cho phép nhà thổ hoạt động đang đi ngược lại với Hiến chương về phụ nữ - đạo luật được Singapore thông qua vào năm 1961, trong đó cấm việc chiếm đoạt “hoàn toàn hoặc một phần số tiền người khác kiếm được qua hoạt động mại dâm” và bỏ tù tới 5 năm và phạt không quá 10.000 SGD với bất kỳ ai vi phạm.
“Đây không chỉ là vùng xám. Nó còn là cú tát vào chính luật pháp”, chuyên gia Ho nói.