Dolly Oesterreich, một người phụ nữ gốc Đức sinh sống tại Mỹ đã đi ngược lại những chuẩn mực và đạo đức xã hội dù là ở những năm 1920 hay ở hiện đại. Bà là trung tâm của chuyện tình bại hoại với bốn người đàn ông và cũng là người có liên quan trực tiếp đến cái chết của chồng mình.
Ở tuổi 30, Walburga Dolly Oesterreich là một bà nội trợ trẻ và là vợ của một doanh nhân thành đạt Fred Oesterreich - chủ một xưởng may tại Milwaukee. Thế nhưng, Fred dường như quá chú tâm vào công việc mà bỏ bê người vợ vẫn đang độ sung mãn của mình.
Định mệnh (hay nói đúng hơn là Fred) đã khiến chuyện tình của Dolly và Otto Sanhuber có cơ hội chớm nở khi Fred gọi một thanh niên 17 tuổi đến sửa máy may cho vợ vào mùa thu năm 1913. Lúc này, Fred không thể ngờ rằng đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết bất ngờ của ông 10 năm sau đó.
Trước khi Otto đến, Dolly đã lờ mờ đoán ra rằng chồng sẽ cử một thanh niên ở xưởng may tới. Otto gõ cửa và bắt gặp dáng vẻ gợi tình của Dolly khi cô ả chỉ đeo một đôi vớ dài và quấn hờ độc một chiếc áo choàng ngủ lên người. Từ đó, chuyện tình kỳ quái kéo dài hơn 10 năm bắt đầu.
Cuộc tình vụng trộm
Ban đầu, cuộc ngoại tình của họ cũng diễn ra bí mật trong các khách sạn như bao cuộc ngoại tình khác. Thế nhưng, sau một thời gian, việc gặp gỡ bên ngoài dần trở nên phiền toái, và cả hai bắt đầu những buổi âu yếm ngay trên giường của Dolly và chồng. Không được bao lâu, hàng xóm bắt đầu dòm ngó và thắc mắc cậu thanh niên dạo gần đây hay quanh quẩn nhà Oesterreich là ai. Dolly lấp liếm trả lời hàng xóm rằng hắn là “đứa em cùng cha khác mẹ vô công rỗi nghề” của ả.
Tiếc rằng “đứa em cùng cha khác mẹ vô công rỗi nghề” lại quá thu hút sự chú ý nên Dolly quyết định đưa Otto đến sống trên căn gác mái tại nhà Oesterreich. Theo cách đó, cậu chàng sẽ không phải đi đi về về một cách lén lút nữa, cũng không lo bị ai bắt gặp. Otto nghỉ việc tại xưởng và gần như không có liên hệ gì với gia đình. Toàn bộ thời gian của cậu thanh niên lầm đường lạc lối này (trừ lúc ở bên Dolly) đều dùng để lẩn trốn trong căn nhà.
Điều này cũng đồng nghĩa Otto không thể ra khỏi căn nhà nếu không muốn bị hàng xóm dòm ngó và bắt gặp. Hắn gần như sống cô lập ở đó và viết tiểu thuyết, mơ mộng một ngày sẽ được xuất bản. Ban đêm, hắn đọc tiểu thuyết thần bí dưới ánh nến. Ban ngày, hắn âu yếm Dolly, giúp ả trông nhà và làm bồn rượu gin.
Otto vẫn sống trong căn gác mái chật hẹp và duy trì mối quan hệ kỳ lạ với Dolly suốt năm năm cho đến khi Fred thông báo rằng ông muốn bán căn nhà hiện tại và chuyển đến sống tại Los Angeles vào năm 1918.
Dolly đồng ý chuyển nhà với điều kiện căn nhà phải có gác mái. Ả ta ưng mắt một căn nhà nhìn ra đại lộ Hoàng Hôn và đương nhiên là có gác mái. Ả đưa Otto đến đó ở trước còn vợ chồng ả thì sẽ chuyển đến vài ngày sau đó.
Bắn chết chồng và giấu người tình trên gác mái
Và mọi chuyện vẫn tiếp tục y như trước khi họ chuyển nhà thêm bốn năm tiếp theo đó. Ngày 22/8/1922, từ căn gác mái, Otto nghe thấy vợ chồng Oesterreich cãi vã. Lo lắng và tức giân thay cho nhân tình, Otto cầm hai khẩu súng lục xuống nhà. Fred lập tức nhận ra cậu thiếu niên làm việc tại nhà máy năm xưa và nổi trận lôi đình. Súng nổ trong lúc cả hai giằng co.
Fred trúng đạn, Otto và Dolly thì hoảng loạn. Tuy nhiên cặp tình nhân đáng lên án này vẫn còn đủ tỉnh táo để tạo ra một hiện trường giả. Otto nhốt Dolly trong tủ quần áo và cầm chìa khóa cùng hung khí trốn trên gác mái. Cả hai đều biết chắc chắn hàng xóm đã nghe thấy tiếng súng và báo cảnh sát. Bằng cách này, Dolly sẽ có chứng cứ ngoại phạm.
Cảnh sát đến và phát hiện Dolly bị nhốt trong tủ. Ả ta tường trình rằng một tên cướp đã xông vào nhà, bắn chết Fred, cướp đi một số vật có giá và nhốt ả trong tủ. Cảnh sát không mấy tin vào câu chuyện bịa đặt của Dolly nhưng họ không tìm ra sơ hở hay chứng cứ nào. Dolly được thả.
Dolly Oesterreich trở thành góa phụ, ả chuyển đến một ngôi nhà mới và tiếp tục cuộc sống của mình. Những tưởng rằng ả cùng gã tình nhân trẻ sẽ đường đường chính chính qua lại với nhau và bắt đầu một cuộc sống bình thường, thế nhưng Otto lại tự nguyện tiếp tục trở thành tên nô lệ tình dục sống trên căn gác mái.
Otto Sanhuber cuối cùng cũng có một vài tác phẩm được xuất bản. Với số tiền kiếm được (cộng với tiền Dolly cho), hắn tậu một chiếc máy đánh chữ để tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Trong khi đó, ngoài “tình nhân gác mái”, Dolly vẫn tìm kiếm cho mình một tình yêu mới - luật sư Herman S. Shapiro.
Thế nhưng bạn trai mới của Dolly cũng không khác mấy người chồng quá cố. Ông thường xuyên vắng nhà vì công việc. Và “bùm”, Roy Klumb xuất hiện, trở thành người đàn ông thứ tư để thỏa mãn ham muốn của Dolly.
Cái chết của Fred có lẽ sẽ chìm vào quên lãng nếu như Dolly không lợi dụng Klumb để tẩu tán một trong hai khẩu súng mà Otto dùng để bắn chồng ả trước kia. Dolly thuyết phục Klumb đem vứt khẩu súng và giải thích khẩu súng đó giống với khẩu của tên cướp của giết người và ả ta sợ bị cảnh sát hiểu lầm nếu họ phát hiện. Ả cũng dỗ ngọt một người hàng xóm và nhờ anh ta chôn nốt khẩu còn lại trong sân nhà anh ta.
Và tất nhiên, như nhiều người vẫn thường bới móc tật xấu của người cũ sau khi chia tay, Klumb đem chuyện khẩu sũng tố giác với cảnh sát, Dolly bị bắt giam. Người hàng xóm kia cũng chẳng dại dột mà giữ lại khẩu súng còn lại trong sân, anh ta đào nó lên và nộp cho cảnh sát. Tuy nhiên, họ không thể tìm thấy vân tay và khẳng định đó là súng của Dolly vì cả hai khẩu đều đã bị ăn mòn.
Chuyện của Dolly và Otto bị phanh khui khi ả tả nhờ Shapiro tiếp tế đồ dùng và thức ăn cho Otto trong khi ả đang ngồi tù chờ xét xử và bao biện rằng Otto là em trai khác mẹ của ả. Tuy nhiên, do tách biệt với giới bên ngoài và cũng không được nói chuyện với người đồng giới nào trong nhiều năm liền, Otto đã tiết lộ về mối quan hệ thật giữa hắn và Dolly cho Shapiro.
Shapiro giúp Otto bỏ trốn và giúp Dolly được tại ngoại. Mọi cáo buộc chống lại Dolly đều bị dỡ bỏ.
Cái kết không thỏa đáng
Cho đến 7 năm sau, cuộc tình của Dolly và vị luật sư tan vỡ. Shapiro chuyển ra khỏi nhà Dolly và đem mọi mọi tội ác của Dolly và Otto khai báo với cảnh sát. Cặp tình nhân được triệu tập để xét xử.
Otto bị ghép tội ngộ sát. Tuy nhiên, thời hạn truy cứu về cái chết của Fred đã kết thúc, Otto được trắng án. Phiên tòa xét xử Otto trở nên nổi tiếng và vụ án được gọi với cái tên “Người dơi” vì bị cáo đã sống trong nơi tù túng, tối tăm không khác gì các hang động u ám, chật hẹp của bọn dơi.
Về phía Dolly, ả đã phải hầu tòa vì đồng phạm giết người. Tuy nhiên, hội đồng xét xử rơi vào tình trạng không thể tuyên án, ả được tự do. Bản cáo trạng cuối cùng đã bị hủy bỏ vào năm 1936, Dolly vẫn tiếp tục sống đời tự do nhàn hạ cho đến khi qua đời ở tuổi 80 vào năm 1961.