Giáo viên họ Wang của trường mầm non ở thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt giam sau vụ việc ngày 27/3, Tân Hoa Xã dẫn lời các quan chức địa phương cho hay. Các em nhỏ bắt đầu nôn mửa và ngất xỉu sau bữa sáng hôm đó.
Một phụ huynh nói anh ta đã tức tốc tới bệnh viện khi nhận cuộc gọi từ nhà trường và chứng kiến các bác sĩ rửa ruột cho con trai anh.
Một em nhỏ hiện vẫn nằm viện với các triệu chứng nghiêm trọng, 7 đứa trẻ khác đã được xuất viện nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ. Truyền thông Trung Quốc không nói rõ những em bị ngộ độc bao nhiêu tuổi, nhưng thông thường, học sinh mẫu giáo ở Trung Quốc khoảng 3-6 tuổi.
Một cuộc điều tra sơ bộ đã cho thấy sodium nitrite hay muối diêm, được sử dụng để bảo quản thịt có thể gây độc khi dùng với liều lượng lớn. Đây có thể là nguyên nhân khiến 23 trẻ bị ngộ độc sau khi ăn bữa cháo hôm đó.
Vụ việc ở thành phố Tiêu Tác xảy ra ngay trước khi một quy định mới có hiệu lực vào ngày 1/4, yêu cầu các nhân viên trường học từ mẫu giáo đến trung học ở Trung Quốc phải dùng bữa với học sinh của họ trong căng tin để ngăn chặn các vụ bê bối về an toàn thực phẩm.
Các trường học hiện cũng được yêu cầu xác định công khai nguồn thực phẩm và nhà cung cấp, đồng thời thiết lập hệ thống kiểm soát và phòng ngừa rủi ro.
Vào tháng 3, 36 học sinh tiểu học ở tỉnh Tứ Xuyên phải nhập viện sau khi ăn thức ăn bị mốc. Vụ việc kéo theo một cuộc biểu tình, dẫn tới việc sa thải hiệu trưởng nhà trường.
Hình ảnh bánh mì mốc, bánh nướng cùng thịt đổi màu và hải sản thối được dùng để chế biến bữa ăn tại trường trung học thực nghiệm số 7 Thành Đô, do phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội cũng gây ra một cuộc tranh luận về an toàn thực phẩm tại trường học.